Việc vốn đầu tư bị "vùi" tại nhiều dự án lớn, kết quả kinh doanh liên tục lao dốc khiến dòng tiền của Sudico thâm hụt mạnh kéo theo sự thất hứa trong việc thanh toán cổ tức cho cổ đông nhiều năm qua.
CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát mới đây đã mua vào 41,7 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà - Sudico (SJS) với giá 102.000 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền chi ra khoảng 4.258 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu trên là số cổ phiếu mà Tổng Công ty Sông Đà (SJG) đem ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 101.900 đồng/cp.
Trước đó, tháng 7/2021, SJG đã từng lên kế hoạch thoái vốn tại SJS với mức giá 80.000 đồng/cp nhưng bất thành.
Được biết trước giao dịch, An Phát không nắm giữ cổ phiếu SJS nào. Sau giao dịch, An Phát sở hữu 36,65% vốn SJS và trở thành cổ đông lớn của Sudico (SJS) từ 27/4/2022.
Trên thị trường, cổ phiếu SJS hiện đang giao dịch tại mức 80.000 đồng thị giá (phiên 5/5/2022) - thấp hơn rất nhiều so với giá được SJG đem ra đấu giá.
Kinh doanh liên tục lao dốc
Theo tìm hiểu, Sudico có tiền thân là Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (doanh nghiệp Nhà nước) và là thành viên của Tổng Công ty Sông Đà, được thành lập vào năm 2001.
Tháng 8/2003, Sudico được Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ 30 tỷ đồng; sau đó tăng lên 400 tỷ đồng vào năm 2009 và tiếp tục tăng lên 1.148 tỷ đồng (năm 2018) sau 10 lần thay đổi vốn.
Ngành nghề kinh doanh của Sudico bao gồm kinh doanh bất động sản; quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu; chủ sử dụng hoặc đi thuê; kinh doanh bất động sản; tư vấn, đầu tư, lập và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, khu đô thị và khu công nghiệp.. với 3 địa bàn kinh doanh chính là Hà Nội, Quảng Ninh và Đà Nẵng.
Báo cáo thường niên Sudico năm 2020 cho biết, hiện doanh nghiệp đang có 7 công ty con và 2 công ty liên kết hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Đầu tư, xây dựng kinh doanh nhà ở, khu đô thị và khu công nghiệp.
Sudico từng được xem là một trong những "ông lớn" trên thị trường bất động sản, thành danh nhờ dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì quy mô 36 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000.
Sau thành công của dự án Đô thị mới Mỹ Đình – Mễ Trì, Sudico liên tiếp đầu tư nhiều dự án đô thị, dân cư và du lịch sinh thái lớn khắp cả nước như: Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280 ha), dự án Khu nhà ở Văn La – Văn Khê (12ha), dự án khách sạn Sông Đà – Hạ Long; dự án Khu dân cư Long Tân – Nhơn Trạch – Đồng Nai (65ha); Các dự án đang trong quá trình đầu tư, như dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân (1.115ha), dự án Hòa Hải – Đà Nẵng (12ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39ha),…
Có lẽ do đầu tư dàn trải quá nhiều dự án lớn nên doanh nghiệp này liên tục thiếu hụt nguồn vốn; nhiều dự án đang gặp vướng mắc, chưa thể hoàn tất xong thủ tục pháp lý khiến kết quả kinh doanh của Sudico trong những năm gần đây đi xuống theo từng năm.
Từ mức 225 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015, doanh nghiệp chỉ còn lãi gần 42 tỷ đồng trong năm 2020.
Cụ thể hơn, năm 2015 doanh thu thuần Sudico đạt hơn 855,4 tỷ đồng; doanh nghiệp báo lãi ròng 225,8 tỷ đồng - tăng 63% so với một năm trước đó.
Bước sang năm 2016, doanh thu Sudico giảm 40% và lợi nhuận sau thuế giảm 20% về 180,4 tỷ đồng.
Đà suy giảm lợi nhuận kéo dài sang những năm sau đó, lần lượt đạt 142,7 tỷ đồng (năm 2017); 113,5 tỷ đồng (2018); 107,2 tỷ đồng (năm 2019) và 41,9 tỷ đồng (năm 2020).
Như vậy, lãi sau thuế SJC đã giảm đến 81% chỉ sau 5 năm.
Lợi nhuận của Sudico chỉ cải thiện lên mức 84 tỷ đồng khi doanh nghiệp báo kết quả kinh doanh năm 2021.
Loạt dự án chôn vốn, có nguy cơ bị thu hồi
Một chỉ tiêu đáng chú ý trong bức tranh tài chính từ 2015 của Sudico chính là chi phi sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn luôn neo cao với nhiều dự án dậm chân tại chỗ.
Năm 2016, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của Sudico là 2.016 tỷ đồng - tăng nhẹ so với đầu năm trong đó dự án Khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng 1.108 tỷ đồng; Dự án Văn La - Văn Khê - Hà Đông 474 tỷ đồng; Dự án Tiến Xuân 139 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Vĩnh Thanh - Nhơn Trạch - Đồng Nai 84 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 100 tỷ đồng,...
4 năm sau đó, tính đến cuối năm 2020, chỉ tiêu này giảm về còn 1.966 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy Sudico vẫn đang mắc kẹt tại dự án Khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng với 1.164 tỷ đồng; Dự án Văn La - Văn Khê - Hà Đông 527 tỷ đồng; Dự án Tiến Xuân 153 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 108 tỷ đồng...
Liên quan đến những dự án này, tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2021 cho thấy các dự án Hòa Hải, Văn La, Tiến Xuân, Ngọc Vừng vẫn chưa thể hoàn tất xong thủ tục pháp lý. Điều này đồng nghĩa với việc Sudico vẫn phải tiếp tục "chôn vốn" tại các dự án này. Về ngắn hạn, vốn đầu tư bị chôn trong khoản mục dở dang, tiến độ đầu tư chậm nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Về dài hạn, chi phí lãi vay ngày càng tăng làm giảm hiệu quả đầu tư đồng thời có thể khiến 1 số dự án có rủi ro bị thu hồi.
Ngoài ra, việc thiếu hụt dòng tiền còn thể hiện qua việc Sudico đã liên tục trễ hẹn thanh toán cổ tức. Tháng 5/2019, Sudico đã chốt danh sách chi trả cổ tức tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ 10%. Tháng 12/2019, Sudico chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Tuy nhiên, tất cả các đợt chi trả cổ tức trên đều bị lùi thời gian thanh toán với lý do công ty chưa thu xếp được tiền.
Mới đây nhất, Sudico đã thông báo dự kiến dời lịch trả cổ tức năm 2016 và 2017 từ 31/12/2021 sang 30/12/2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Sudico ghi nhận doanh thu thuần 192 tỷ đồng - tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 13 tỷ đồng - giảm 53%.
So với kế hoạch kinh doanh là 951 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2022, Sudico mới chỉ thực hiện lần lượt 20% và 9% các mục tiêu đã đề ra.
Soi "thân thế" của "cổ đông lớn" Đầu tư An Phát
Về phần CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát, được biết đây là một doanh nghiệp thành lập năm 2016 có trụ sở tại tầng 3, Tòa nhà Lotus, số 2 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hầu như không có thông tin nào từng xuất hiện về doanh nghiệp này cho đến trước khi Đầu tư An Phát được công bố trở thành cổ đông lớn nhất của Sudico.
Theo thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 30/9/2021, An Phát đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 1.800 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977) hiện đang là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng - doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư của dự án "Khu đô thị Sông Hồng" tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Nhiều tài sản liên quan đến dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Việt Á – ngân hàng hiện cũng đang là chủ nợ chính của Sudico.