Xã hội

Dự kiến bỏ chia hạng chức danh nghề nghiệp với nhà giáo, lương của giáo viên sẽ được tính thế nào?

Mai Hương 18/05/2025 13:04

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo phiên bản mới nhất đã được trình và nhận được nhiều sự quan tâm khi đề xuất bỏ quy định phân hạng nhà giáo

Cụ thể, hệ thống chức danh nghề nghiệp của giáo viên các cấp từ mầm non đến phổ thông được chia thành ba hạng (I, II, III), tương ứng với các tiêu chí chuyên môn, thâm niên và hệ số lương khác nhau. Việc xét thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao là một trong những căn cứ để nâng lương, bổ nhiệm, hoặc tuyển dụng trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, theo bản dự thảo mới nhất, việc chia hạng này sẽ bị bãi bỏ. Cụ thể, Điều 12 của dự thảo luật quy định rõ: Chức danh nhà giáo sẽ được xác lập dựa trên yêu cầu nghề nghiệp của từng cấp học, trình độ đào tạo, thay vì chia theo hạng như trước đây.

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi chức danh sẽ căn cứ theo loại hình cơ sở giáo dục, với tiêu chí xác định tương đương khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.

Dự kiến bỏ chia hạng chức danh nghề nghiệp với nhà giáo, lương của giáo viên sẽ được tính thế nào? - ảnh 1
Sẽ không còn phân chia thăng hạng giáo viên trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Nếu quy định này được thông qua, sẽ không còn việc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II, hay từ hạng II lên hạng I như hiện nay. Đây là thay đổi được đánh giá có thể giải quyết nhiều bất cập tồn tại lâu nay trong ngành giáo dục, khi mà tiêu chí thăng hạng đôi khi chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của người làm nghề.

Không ít giáo viên phản ánh rằng cơ chế phân hạng hiện tại còn nặng tính hình thức, gây thiệt thòi cho những người có năng lực nhưng không đủ điều kiện hồ sơ, trong khi có trường hợp làm việc chưa hiệu quả vẫn được xét vào hạng cao hơn.

Việc chuyển sang đánh giá theo yêu cầu nghề nghiệp và vị trí việc làm, theo nhiều nhà giáo, có thể tạo động lực làm việc thực chất hơn và nâng cao tính công bằng trong môi trường giáo dục.

Dự kiến bỏ chia hạng chức danh nghề nghiệp với nhà giáo, lương của giáo viên sẽ được tính thế nào? - ảnh 2
Lương của giáo viên có sự thay đổi khi bỏ chia hạng (Ảnh minh họa)

Cùng với việc bỏ chia hạng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng đưa ra đề xuất mới về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên, được quy định tại Điều 25.

Theo đó, tiền lương của giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập sẽ được xếp ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương của khối hành chính sự nghiệp. Giáo viên cũng sẽ được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, cùng nhiều phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, vùng miền hoặc điều kiện làm việc.

Đặc biệt, nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, các trường chuyên biệt, giáo dục hòa nhập hoặc dạy nghề đặc thù sẽ được hưởng chính sách lương và phụ cấp cao hơn so với điều kiện bình thường.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc trả lương cho giáo viên sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật lao động. Nhà giáo làm việc trong lĩnh vực có chế độ đặc thù sẽ được hưởng theo chế độ cao nhất nếu có sự trùng lặp chính sách.

>> Tin vui: Giáo viên sắp có thêm nhiều ưu đãi mới, lương xếp bậc cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

Giáo viên có thể được trả lương dạy thêm giờ

Tin vui, giáo viên mầm non có thể nhận phụ cấp lên đến 80%

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/du-kien-bo-chia-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-nha-giao-luong-cua-giao-vien-se-duoc-tinh-the-nao-142569.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dự kiến bỏ chia hạng chức danh nghề nghiệp với nhà giáo, lương của giáo viên sẽ được tính thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH