Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ (công suất 6.000MW) được đề xuất bổ sung vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong Quy hoạch điện VIII.
Sở Công Thương TP. HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND Thành phố đề xuất Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ (do CTCP Năng lượng Dầu khí châu Á đề xuất) vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong Quy hoạch điện VIII. Trước đó, Sở đã gửi văn bản tới các đơn vị, sở, ngành để cùng góp ý. Đến nay, đã nhận được đầy đủ văn bản góp ý của các đơn vị.
Theo đề xuất của Sở Công Thương TP. HCM: Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ do liên doanh các nhà đầu tư (CTCP Năng lượng Dầu khí châu Á - Tập đoàn Tokyo Gas - Tập đoàn Shizen Energy) thực hiện.
Địa điểm đầu tư là khu vực ngoài khơi thuộc Nam Biển Đông, tổng diện tích khảo sát khoảng 325.123 ha. Còn trên đất liền nằm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2), thuộc xã Hiệp Phước, Nhà Bè, với diện tích khoảng 8 ha.
Quy mô công suất khoảng 6.000 MW, chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ năm 2031 - 2035 là 2.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2031.
- Giai đoạn 2 là 1.000 MW cho mục đích cấp điện cho sản xuất hydrogen vào năm 2035.
- Giai đoạn 3: Từ năm 2036 - 2040 là 2.000 MW cho các mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 1.000 MW (giai đoạn 4) cấp điện cho sản xuất hydrogen.
Tổng mức đầu tư cho các giai đoạn là khoảng 313.372 tỷ đồng.
Tổng diện tích chiếm đất (có thời hạn) của dự án dự kiến khoảng 607,97 ha (giai đoạn 2031 - 2035) và 550,97 ha (giai đoạn 2036 - 2040).
Về đấu nối, theo dự kiến: Dự án này sẽ cấp điện đấu nối vào lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 500 kV.
Góp ý với Sở Công Thương TP. HCM về đề xuất này, Tổng Công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) cho rằng: Dự án hiện chưa được đưa vào tính toán trong các kịch bản nguồn cơ sở của Quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia.
Do đó, đề nghị chủ đầu tư cần thực hiện ngay việc đăng ký với các cơ quan chức năng để đưa ra nguồn năng lượng gió (công suất 6.000 MW) vào trong các kịch bản huy động của Quy hoạch điện VIII.
Đặc biệt, chủ đầu tư phải tính toán trào lưu công suất khi thực hiện nhà máy đến các chế độ vận hành của lưới điện khu vực TP. HCM nói riêng và miền Nam nói chung (hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Ngoài ra, EVNHCMC cũng khuyến nghị: Nội dung báo cáo vẫn chưa chuẩn xác lựa chọn công nghệ cho các tua bin phát điện, nên đề nghị chủ đầu tư chuẩn xác lại.