Dự thảo Nghị định quản lý xăng dầu: Nhiều điểm mới về quỹ bình ổn, doanh nghiệp sẽ tự định giá
Tại dự thảo lần 3, Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu sẽ do doanh nghiệp được tự điều hành và sẽ không duy trì quỹ bình ổn.
Trong diễn biến mới nhất về quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng. Đây là dự thảo lần thứ ba được đưa ra sau nhiều vòng cơ quan soạn thảo lấy ý kiến các bên liên quan.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng. |
Doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu
Theo đó, dự thảo tiếp tục giữ quan điểm Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như các chi phí về thuế các loại, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Trong đó tiếp tục giữ nguyên mức lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, kg xăng dầu.
Trường hợp chi phí kinh doanh định mức biến động bất thường, tác động đến nguồn cung xăng dầu và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, Bộ Công Thương lấy ý kiến và báo cáo Thủ tướng rà soát chi phí.
Về quỹ bình ổn, trên cơ sở nhiều ý kiến đề nghị bỏ quỹ bình ổn, ban soạn thảo sửa đổi theo hướng dự thảo nghị định quy định về trường hợp thực hiện bình ổn giá xăng dầu tương tự với các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại Luật Giá.
Cụ thể, mặt bằng giá xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp công bố thảm họa khẩn cấp, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh có biến động bất thường, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.
Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.
>>16 thương nhân trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu, nguồn cung thị trường có bị ảnh hưởng?
Tăng thêm điều kiện với thương nhân đầu mối
Tuy nhiên, dự thảo bổ sung thêm điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, như quy định việc kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu… là điều kiện bắt buộc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện.
Tăng thêm điều kiện với thương nhân đầu mối. |
Lý do là xăng dầu là ngành hàng đặc biệt, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, có đặc thù riêng đòi hỏi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có kinh nghiệm trong kinh doanh xăng dầu, có năng lực tài chính, phải có sẵn hệ thống phân phối.
Dự thảo cũng đề cập năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường xăng dầu. Bởi có thực trạng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thậm chí chỉ thực hiện được tổng nguồn xăng dầu mặt đất dưới 100.000 m3, tấn/năm (tương đương khoảng 0,38% tổng nguồn xăng dầu cả nước).
Tuy nhiên, còn những ý kiến khác nhau liên quan tới quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau. Trong đó Bộ đưa ra hai phương án quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được quyền mua bán xăng dầu với nhau, hoặc phương án thứ hai là giữ nguyên quy định như hiện tại.
Về số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu, Bộ cũng đưa ra hai phương án như thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu bằng 20 ngày cung ứng, như hiện hành và thương nhân phân phối không thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu; phương án hai là quy định thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu bằng 25 ngày cung ứng.
Cửa hàng xăng dầu ở Vũng Tàu bị tạm dừng 5 trụ bơm do có dấu hiệu gian lận
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít