Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, điều hòa công suất nhỏ?
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hoà công suất nhỏ vẫn đang còn những ý kiến tranh luận khác nhau.
Điều hòa hiện trở thành mặt hàng thiết yếu
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nâng công suất điều hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại điều hòa từ 18.000-90.000 BTU.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục nâng công suất máy điều hòa trong diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí không áp thuế với điều hòa có công suất dưới 90.000 BTU.
Theo dự thảo, điều hòa có công suất lớn (từ 18.000 đến dưới 90.000 BTU) thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, tương tự mức áp dụng từ năm 2008. Trong khi đó, loại công suất lớn, trên 90.000 BTU lại không chịu thuế.
Thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt tại Quốc hội sáng 9/5, ông Trần Văn Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với điều hòa công suất dưới 90.000 BTU là không hợp lý, vì điều hòa hiện trở thành mặt hàng thiết yếu.
"Điều hòa hiện không còn là hàng xa xỉ mà trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở đô thị, nông thôn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao. Mức áp thuế 10% với điều hòa hiện tại không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại.
Ngoài ra, điều hòa công suất nhỏ thường được sử dụng tại hộ gia đình, nên thiếu công bằng khi người thu nhập thấp phải chịu thuế, trong khi doanh nghiệp hoặc hộ gia đình có điều kiện lắp máy điều hòa trung tâm công suất lớn lại không phải chịu thuế", ông Khải nói.

Theo ông Khải, việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa dân dụng sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân giảm giá thành, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước mở rộng thị trường.
Khi đó, ngân sách có thể giảm một phần thu từ thuế điều hòa, nhưng sẽ được bù đắp bằng lợi ích xã hội dài hạn, khi người dân giảm chi phí sinh hoạt, sức khỏe được đảm bảo hơn trong thời tiết khắc nghiệt và doanh nghiệp bán nhiều sản phẩm hơn.
Đồng tình với kiến nghị trên, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cho rằng việc áp thuế sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất khó khăn, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Việc này cũng làm tăng chi phí dùng điều hòa công suất lớn, trong khi dùng loại này có thể đem lại hiệu quả lớn hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đề nghị chỉ nên áp thuế đặc biệt với điều hòa công suất 24.000-90.000 BTU. Bởi điều hòa dưới 18.000 BTU chỉ đáp ứng nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình.
"Hộ gia đình với căn hộ 3 phòng có thể tiết kiệm điện và chi phí hơn khi lắp một máy 24.000 BTU thay vì nhiều máy nhỏ", ông Giang dẫn chứng.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ xem xét, cân nhắc đề nghị của các đại biểu.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát.
Theo Quyết định 496, tới năm 2040, Việt Nam sẽ không sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm sử dụng chất Hydrochlorofluorocarbon (HCFC). Thực hiện lộ trình quản lý theo cam kết, lượng tiêu thụ các chất HCFC đã giảm từ mức dưới 3.600 tấn năm 2019 xuống còn 2.600 tấn/năm giai đoạn hiện nay và tiếp tục giảm theo lộ trình.
Cũng từ năm 2045, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu điều hòa không khí có chứa chất HFC-32 hoặc các chất được kiểm soát có GWP lớn hơn 150.
Băn khoăn việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Ngoài ra, với mặt hàng xăng, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật nêu nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng xăng sang diện không chịu thuế; nếu tiếp tục áp thuế thì cần tính toán mức thuế suất phù hợp hơn.
Ý kiến khác đề nghị vẫn đánh thuế đối với xăng. Một số ý kiến đề nghị loại trừ xăng sinh học, nghiên cứu giảm thuế đối với xăng E5 và E10 để khuyến khích sử dụng, tăng thuế đối với xăng khoáng.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần được sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và quy định mức thuế suất đối với mặt hàng xăng sinh học thấp hơn so với xăng khoáng.
Theo quy định của luật hiện hành, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, luật hiện hành đã quy định mức thuế suất ưu đãi đối với xăng E5 là 8%, E10 là 7%, thấp hơn so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với xăng khoáng.
Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu và cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Cùng với các giải pháp khác, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện hành là phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt; góp phần điều tiết tiêu dùng đối với hàng hóa cần sử dụng tiết kiệm, giảm phát thải và phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ như dự luật.
Một số ĐBQH đề xuất không tiếp tục coi xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi loại thuế này vốn nhằm đánh vào các hàng hóa, dịch vụ xa xỉ để điều tiết sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng.
Trong trường hợp cần áp thuế để bảo vệ môi trường, ĐBQH cho rằng nên điều chỉnh mức thu tuyệt đối của thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, thay vì đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng đã áp dụng từ 1998. Chính phủ cũng đã cam kết tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
"Với cam kết về môi trường như vậy thì với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm.
>>Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 20/11
Sáng nay Quốc hội bàn về thuế tiêu thụ đặc biệt: Sabeco, Heineken, Habeco thấp thỏm chờ tin
Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 20/11