Trong khi Đức Long Gia Lai mang tiền cho các cá nhân vay thì bản thân các khoản vay của công ty tại ngân hàng đang bị “siết” nợ.
Sau vụ Tân Tạo (ITA) mang tiền cho bà Đặng Thị Hoàng Yến "vay" và bị kiểm toán "soi" đến thì các khoản vay/cho vay bất thường của các doanh nghiệp đang dần được các nhà đầu tư để ý.
Mới đây nhất, sau vụ việc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam mang tài sản thế chấp của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán) ra bán để xử lý nợ đến hạn, thì nhà đầu tư một lần nữa nhìn lại báo cáo tài chính của DLG và giật mình vì khoản tiền hơn 2.200 tỷ đồng được kiểm toán nhắc đến nhiều lần liên quan đến việc công ty cho các cá nhân vay mà không có tài sản đảm bảo.
Đức Long Gia Lai bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Trở lại với Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty đang trải qua giai đoạn khó khăn. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 ghi nhận doanh thu năm 2021 giảm 24% so với năm trước, đạt 1.544 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 12 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với số lỗ 928 tỷ đồng của năm 2020.
Tính đến 31/12/2021 Đức Long Gia Lai vẫn còn lỗ luỹ kế 850 tỷ đồng – đây cũng là nguyên nhân khiến cố phiếu DLG bị đưa vào diện bị cảnh báo. Kiểm toán cũng nêu vấn đề nhấn mạnh về việc Tập đoàn đã cho một số cá nhân vay với số tiền hơn 2.278 tỷ đồng – các khoản vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3.
Kiểm toán cho biết ghi nhận tại ngày 31/12/2021 khoản lỗ thuần của Tập đoàn là hơn 850 tỷ đồng và tại ngày đó các khoản nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt tổng tài sản ngắn hạn là hơn 400 tỷ đồng. Các điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu để dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Ngoài ra còn có vấn đề nhấn mạnh tồn tại từ BCTC năm 2020, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán khác nêu vấn đề ngoại trừ có nhấn mạnh, liên quan đến việc thanh lý các khoản đầu tư chưa đủ điều kiện ghi nhận. Vấn đề nhấn mạnh là việc công ty cho các tổ chức, cá nhân vay không có tài sản đảm bảo và vấn đề nhấn mạnh đến khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt 723 tỷ đồng, giảm 20% so với nửa đầu năm ngoái. Do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh dẫn tới số lỗ 361 tỷ đồng – trong khi cùng kỳ vẫn lãi sau thuế 23 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế đến 30/6/2022 lên hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong Báo cáo soát xét bán niên 2022 Đức Long Gia Lai có lên tiếng giải trình về việc lỗ thuần của Tập đoàn đến 30/6/2022 là hơn 1.200 tỷ đồng. Các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn hơn 470 tỷ đòng. Ngoài ra DLG còn có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng hơn 1.863 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Tuy nhiên DLG cho biết HĐQT công ty đã đưa ra kế hoạch và mục tiêu trong năm 2022-2023, phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để đưa ra phương án xử lý nợ - như là tìm đối tác để chuyển nhượng các dự án, tài sản đảm bảo tại ngân hàng để giảm dần dư nợ gốc. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án năng lượng điện mặt trời, điện gió để bổ sung bào quy hoạch nhằm tất toán nợ gốc quá hạn tại ngân hàng.
Đi vay khắp nơi nhưng lại mang tiền cho cá nhân vay
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 cho biết tổng vay dài hạn tại các ngân hàng của Đức Long Gia lai là hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất của DLG là Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Gia Lai. Tổng dư nợ đến 30/6/2022 là hơn 1.550 tỷ đồng. Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Gia Lai (CTG) với gần 615 tỷ đồng.
Trong khi công ty đang đi vay khắp nơi, nợ đến hạn trả rất lớn, thì Đức Long Gia Lai lại mang tiền cho các cá nhân vay. Tổng dư nợ phải thu hơn 2.770 tỷ đồng tính đến 30/6/2022, trong đó đã phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 600 tỷ đồng, trong đó số trích lập bổ sung từ đầu năm 2022 đến nay hơn 300 tỷ đồng.
Bị ngân hàng siết nợ, mang tài sản đi bán
Liên quan đến các khoản nợ đến hạn trả, mới đây Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – mã chứng khoán CTG) thông báo xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo. Khoản nợ cần xử lý là của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Tài sản xử lý gồm Quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng có diện tích 3.180 m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của Dự án Bến xe khách liên tỉnh. Quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng có diện tích 3.180 m2.
Thời gian thực hiện và thanh toán nợ vay trong tháng 9/2022. Đối tác quan tâm có văn bản đề nghị mua tài sản gửi hồ sơ về Vietinbank chi nhánh Gia Lai. VietinBank sẽ phối hợp với bên có tài sản để thực hiện chuyển nhượng tài sản cho người mua có phương án chuyển nhượng khả thi và trả giá cao nhất.
Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu 48.283.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank. Người mua và Bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản.
Như vậy chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi đến cuối tháng 9 này, khoản nợ của Đức Long Gia Lai tại Vietinbank đến hạn trả. Trong khi đó công ty mang tiền cho các cá nhân vay không tài sản đảm bảo được kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo tài chính.
Cổ phiếu DLG “về đáy” 1 năm
Với kết qủa kinh doanh không khả quan, cộng thêm các vấn đề lớn phát sinh trong báo cáo tài chính, cổ phiếu DLG bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 18/4/2022.
Không những thế, giá cổ phiếu DLG liên tục giảm, hiện đang dò đáy của 1 năm trở lại đây, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9/2022 ở vùng 3.500 đồng/cổ phiếu.
HNG, TTF, DLG bị duy trì cảnh báo trên HOSE, gần 940 triệu cổ phiếu ITA "lĩnh án" hôm nay