Ứng dụng “Quản lý hoá đơn điện tử” giúp ngành thuế Bình Định nhìn thấy đường đi hàng hoá luân chuyển giữa các doanh nghiệp, nhận diện hoạt động mua bán hoá đơn lòng vòng nhằm hợp thức chi phí đầu vào.
Trao đổi với VietNamNet, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Đẩu, cho biết, cơ quan này đã phát hiện 25 doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn, tăng thu ngân sách 63,8 tỷ đồng, giảm khấu trừ 117,5 tỷ đồng.
Cụ thể: Phát hiện, cảnh báo 11 trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn. Trong đó, có 4/11 doanh nghiệp đã bỏ trốn ngay sau khi Cơ quan Thuế ban hành Công văn cảnh báo; Phát hiện và chuyển tin báo tội phạm đối với 13 doanh nghiệp sang Cơ quan Công an theo quy chế chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan Điều tra; Chuyển 1 doanh nghiệp sang Cơ quan Công an để điều tra, xử lý đối với hành vi trốn thuế.
25 doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hoá đơn trên được phát hiện dựa trên ứng dụng “Quản lý hóa đơn điện tử”, truy vết nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ của từng doanh nghiệp. Đây là phần mềm giúp ngành thuế nhìn thấy đường đi của hàng hóa luân chuyển qua các doanh nghiệp.
Cùng với việc trên khai ứng dụng, Cục Thuế tỉnh cũng lập “Tổ giám sát hóa đơn điện tử” phục vụ rà soát, phát hiện sớm các doanh nghiệp mua bán hóa đơn để tập trung xử lý. Đây vừa là giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm hóa đơn; vừa là nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa sai phạm, tránh rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, tăng thu ngân sách khi loại bỏ được tình trạng hợp thức hóa VAT, chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Trước đó, tận dụng ưu thế là 1 trong 6 tỉnh, thành phố triển khai hoá đơn điện tử đầu tiên trên toàn quốc, Cục Thuế Bình Định đã xây dựng ứng dụng Quản lý hóa đơn điện tử với 16 chức năng. Trong đó, chức năng truy vết đã hỗ trợ công chức ngành nhận diện ngay hoạt động mua bán lòng vòng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, truy vết các giao dịch, doanh nghiệp, chuỗi doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn.
Theo Cục trưởng Cục thuế Bình Định, cơ quan này đã và đang bổ sung thêm nhiều bài toán nghiệp vụ, giúp nhận diện nhanh các trường hợp có dấu hiệu rủi ro như: người nộp thuế là nhà thầu xây dựng, ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư để thi công công trình xây dựng tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính của người nộp thuế, nhưng chưa thực hiện kê khai, tính thuế, phân bổ và nộp thuế GTGT tại nơi thi công công trình. Tổng tiền chưa có thuế qua phát hiện trên toàn tỉnh là 2.883 tỷ đồng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp ngoài tỉnh bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho Công ty Điện lực Bình Định, với 1.621 tờ hóa đơn, tổng số tiền thanh toán là 330 tỷ đồng và các đơn vị này chưa thực hiện kê khai phân bổ các loại thuế liên quan tại địa bàn tỉnh.
Đại diện ngành thuế địa phương cho biết thêm, kết quả đạt được lớn nhất là việc cơ quan này thực hiện cảnh báo đến tất cả các doanh nghiệp/hộ kinh doanh có hoá đơn đầu vào của các doanh nghiệp/hộ kinh doanh đã bỏ trốn, của các doanh nghiệp/hộ kinh doanh có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Sau khi các doanh nghiệp tự điều chỉnh, số thuế GTGT tăng thu cho ngân sách nhà nước là 8,4 tỷ đồng thuế GTGT; 3 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm khấu trừ là 22,9 tỷ đồng
“Mô hình giám sát hóa đơn điện tử giúp hình thành cơ chế phòng ngừa rủi ro từ xa cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thuế, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện hoặc xuất hiện rất ít các trường hợp rủi ro về sử dụng hóa đơn điện tử. Với việc liên tục bổ sung thêm các bài toán nghiệp vụ lên môi trường điện tử, cơ quan thuế đã phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời việc mua bán hóa đơn, qua đó hỗ trợ cảnh báo doanh nghiệp sửa sai”, ông Đẩu nói.
Trần Chung - Diễm Phúc
Kiến nghị rút giấy phép cửa hàng xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính