Xã hội

Đường dây nóng im ắng, nhà tạm lánh vắng khách ở Thanh Hóa

Hoàng Lam 20/10/2024 - 16:42

Được đầu tư, trang bị đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, nhưng những ngôi nhà tạm lánh thuộc mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng ở Thanh Hóa luôn vắng khách. Tuy nhiên, việc vắng khách thường xuyên này lại mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều người.

Mô hình nhà tạm lánh "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" đặt tại Trạm Y tế xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), được thành lập tháng 12/2022, gồm 31 thành viên. Nhà tạm lánh được trang bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, đảm bảo an toàn cho nạn nhân và người báo tin. Khi nạn nhân đến nhà tạm lánh sẽ được bảo vệ, khám sức khỏe, lo ăn uống, tư vấn miễn phí; phân tích các hành vi bạo lực, vòng tròn bạo lực, cách xử lý và ứng phó khi bạo lực xảy ra. Từ đó, giúp nạn nhân dần ổn định tâm lý, nhận thức rõ vấn đề của mình và có hướng giải quyết.

Đường dây nóng im ắng, nhà tạm lánh vắng khách ở Thanh Hóa ảnh 1
Lực lượng chức năng xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) tuyên truyền về bạo lực gia đình và các nội dung khác

"Mỗi lần đi tuyên truyền chúng tôi đều nhấn mạnh khi xảy ra bạo lực, các nạn nhân hãy tìm đến "Địa chỉ tin cậy". Song gần 2 năm qua, tất cả các tình huống mà chúng tôi nhận được, đều giải quyết bằng cách hòa giải, không ai phải đến nhà tạm lánh", bà Lê Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, chia sẻ.

Đường dây nóng im ắng, nhà tạm lánh vắng khách ở Thanh Hóa ảnh 2
Ngôi nhà tạm lánh tại xã Tân Phúc

Tương tự, nhà tạm lánh của "Địa chỉ tin cậy" xã Yên Khương, huyện Lang Chánh được đặt tại Trạm y tế xã này cũng trong tình trạng vắng khách. Hàng tháng các thành viên trong tổ đến tận thôn, bản tổ chức tuyên truyền về bình đẳng giới, bạo lực gia đình... Hình thức tuyên truyền không kèm theo lý thuyết là hình ảnh, video, hướng dẫn giải quyết các tình huống cụ thể trong cuộc sống. Nhờ đó, tình trạng bạo lực gia đình gần như không còn xuất hiện ở địa bàn xã Yên Khương, tỷ lệ tảo hôn là 0%.

Đường dây “nóng” im ắng

Thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), gần 2 năm qua, đường dây "nóng" của "Địa chỉ tin cậy" xã Thanh Sơn chỉ nhận được 1 cuộc điện thoại của bé gái phản ánh về việc mẹ của em là chị L.T.T. bị người bố nghiện rượu chửi mắng, đánh. Trong đêm, các thành viên trong tổ "địa chỉ tin cậy" đến hòa giải. Sau đó, công an xã mời vợ chồng lên làm việc và chồng chị phải ở lại UBND xã cải tạo 2 ngày.

Đường dây nóng im ắng, nhà tạm lánh vắng khách ở Thanh Hóa ảnh 3
Cán bộ xã, thành viên của tổ "Địa chỉ tin cậy" kiểm tra đồ dùng thiết bị ít được sử dụng tại ngôi nhà tạm lánh xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân (Thanh Hóa)

Theo ghi nhận, tại xã Thanh Sơn, năm 2021 trên địa bàn xã ghi nhận 22 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2023 giảm còn 6 vụ. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024 chưa ghi nhận trường hợp nào. Nguyên nhân các vụ bạo lực gia đình xuất phát từ định kiến về giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ, rượu bia, cờ bạc, đói nghèo…

Tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân vốn là điểm nóng về bạo lực gia đình nên có đến 2 "Địa chỉ tin cậy". Theo bà Vi Thị Tình, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thanh Quân khi bị bạo lực, tâm lý của chị em phụ nữ vùng cao còn cam chịu. Ngoài ra, họ còn không dám gọi điện cầu cứu sự giúp đỡ, đến tránh trú ở nhà tạm lánh khi bạo lực xảy ra. Chị em sợ chồng bị công an bắt, phải bỏ tiền nộp phạt cho chồng. Thế nên, việc vắng khách ở nhà tạm lánh là điều vừa mừng, vừa lo đối với những người làm công tác này.

Đường dây nóng im ắng, nhà tạm lánh vắng khách ở Thanh Hóa ảnh 4
Đồ dùng thiết bị ở ngôi nhà tạm lánh chưa được sử dụng sau gần 2 năm

Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân cho biết, trên địa bàn huyện có 4 mô hình "Địa chỉ tin cậy". Ngăn chặn, chấm dứt bạo lực gia đình đang được các thành viên triển khai bằng nhiều cách. Sau thời gian thực hiện mô hình, sự thay đổi lớn nhất là nhận thức, hành vi và bình đẳng giới được nâng lên".

Mô hình "Địa chỉ tin cậy" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục đích tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình; tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự...

>> Thanh Hóa: Nhiều bệnh viện gặp khó khi tự chủ tài chính

Có gì bên trong tượng đài 'Con tàu tập kết ra Bắc' gần 80 tỷ ở Thanh Hóa?

Cô giáo ở Thanh Hóa 'vỗ' lưng học sinh đến thâm tím được chuyển sang làm văn thư

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/duong-day-nong-im-ang-nha-tam-lanh-vang-khach-o-thanh-hoa-post1683947.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đường dây nóng im ắng, nhà tạm lánh vắng khách ở Thanh Hóa
    POWERED BY ONECMS & INTECH