EU "khát" viên nén gỗ thay thế khí đốt, cơ hội bất ngờ gọi tên doanh nghiệp Việt?

05-09-2022 08:09|Hải Đăng

Với việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga nên EU đang có nhu cầu gia tăng nhập khẩu viên nén gỗ từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

EU "khát" năng lượng

Từ tháng 3/2022, Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó có viên nén và gỗ tròn để trả đũa các lệnh trừng phạt của các nước châu Âu. Với lệnh cấm này, viên nén xuất khẩu từ Nga được coi là bất hợp pháp.

Do đó, nguồn cung viên nén từ Nga đang đứt đoạn, thị trường nhập khẩu viên nén trên thế giới, trong đó có EU phải tìm nguồn cung thay thế.

Theo Wood Resources International LLC, tại EU, 40% lượng viên nén gỗ được sử dụng để sưởi ấm khu dân cư, 36% được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy điện, 14% được dùng để sưởi ấm các tòa nhà thương mại. Nhu cầu đối với viên nén gỗ có khả năng tăng 30 - 40% trong 5 năm tới. Tùy thuộc vào cách thức phát triển, nhu cầu viên gỗ của châu Âu có thể tăng lên đến 10 triệu tấn.

Trước đây, Việt Nam tập trung xuất khẩu viên gỗ nén sang Hàn Quốc và Nhật Bản (chiếm tới 99,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhưng với nhu cầu cao từ châu Âu lúc này, giá xuất khẩu viên gỗ nén tại Việt Nam đã tăng vọt từ 1,8 - 2 lần so với đầu năm – theo chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest).

Không chỉ tăng giá khả quan tại thị trường EU, báo cáo của Nhóm nghiên cứu từ các Hiệp hội gỗ và tổ chức Forest Trends còn cho biết, trong những tháng đầu năm 2022 giá viên nén xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tăng mạnh. Nguyên nhân do giá các loại nhiên liệu như than, dầu đều tăng, nhu cầu viên nén gỗ của các nhà máy nhiệt điện tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng lên.

gia-vien-nen.png
Giá xuất khẩu viên nén của Việt Nam theo tháng, 2020-2021 (FOB, USD/tấn). (Nguồn: Nhóm nghiên cứu Hiệp hội gỗ và Forest Trends tổng hợp từ nguồn dữ liệu xuất khẩu Hải quan)

Cụ thể, một số đơn vị xuất khẩu đã ký được các đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có giá 150 - 160 USD/tấn, tăng khoảng 19,4% so với cuối năm 2021. Giá xuất khẩu sang Nhật Bản dao động trong khoảng 140 - 145 USD/tấn, tăng khoảng 10%.

Theo Viforest, viên nén là mặt hàng mới nổi của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu. Với quy trình đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao, để sản xuất viên nén gỗ các cơ sở sản xuất tận dụng tất cả các "phế phẩm" của mình, như mùn cưa, gỗ mẩu, gỗ dăm… thậm chí tận dụng cả những phế phẩm ngành khác như vỏ trấu, rơm, bã mía, thân cây, vỏ hạt…

Đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với sản lượng và giá trị liên tục tăng. Riêng năm 2021, lượng xuất khẩu đạt trên 3,5 triệu tấn, mang về hơn 400 triệu USD cho ngành gỗ.

Doanh nghiệp Việt góp mặt trong top 5 thị trường viên nén gỗ trên thế giới

Tại thị trường viên nén gỗ, Tập đoàn An Việt Phát (AVP Group) do bà Bùi Thị Lan – người được truyền thông đặt tên "nữ hoàng rơm rạ" là một trong những cái tên nổi tiếng nhất. Hiện tại, ông Bùi Tuấn Anh là Tổng giám đốc của công ty.

Theo báo cáo thường niên, dù mới chỉ thành lập từ năm 2014, AVP Group đã vươn lên là nhà sản xuất viên nén số 1 ở châu Á, đứng trong top 5 doanh nghiệp cung cấp viên gỗ nén lớn nhất thế giới năm 2020. Từ thành công trong ngành năng lượng sạch, tập đoàn này đã mở rộng kinh doanh sang các ngành công nghiệp khác như than đá, gỗ, giấy và bì carton các loại. Để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh liên quan đến gỗ và giấy, An Việt Phát cũng khá thành công trong việc trồng rừng.

vien-nen-go(1).jpg

Riêng trong năm 2021, Tập đoàn này đã đưa Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh (giai đoạn 1) vào hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 1.287 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát (thuộc Tập đoàn An Việt Phát) làm chủ đầu tư.

Báo cáo thường niên của công ty cũng cho thấy quá trình tăng vốn điều lệ rất nhanh của An Việt Phát, từ 100 tỷ năm 2017 lên 800 tỷ vào năm cuối năm 2020. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng vọt vào năm 2018, đến năm 2020 đạt lần lượt 2.440 tỷ đồng và 127 tỷ đồng.

Bị G7 áp giá trần với dầu, Nga kiên quyết không bán

Cuộc chiến giá dầu khi nào kết thúc?

Bài thuộc chủ đề Dầu khí, Năng lượng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/eu-khat-vien-nen-go-thay-the-khi-dot-co-hoi-bat-ngo-goi-ten-doanh-nghiep-viet-147109.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
EU "khát" viên nén gỗ thay thế khí đốt, cơ hội bất ngờ gọi tên doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS & INTECH