Evergrande được trao cơ hội cuối cùng trước khi chính thức phát mại
Tòa án Tối cao Hồng Kông sẽ ban hành lệnh giải thể nếu không có kế hoạch tái cơ cấu nào được đưa ra trước ngày kết thúc thời hạn.
Theo tờ SCMP, tòa án ở Hồng Kông đã hoãn phiên điều trần cuối cùng chống lại China Evergrande Group, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất ở Trung Quốc với tổng nợ lên tới 327 tỷ USD. Phiên xét xử dự kiến diễn ra hôm nay, 30/10, đã được hoãn lại cho tới ngày 4/12. Theo đó, Evergrande có hơn 1 tháng để tìm kiếm thỏa thuận với các chủ nợ để đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị phát mại.
Tuy nhiên, Thẩm phán Tòa án Tối cao Hồng Kông Linda Chan cũng đưa ra cảnh báo rằng “rất có khả năng” sẽ ban hành lệnh giải thể nếu không có kế hoạch tái cơ cấu nào được đưa ra trước ngày kết thúc thời hạn.
Đồng thời, vị thẩm phán nhấn mạnh việc hoãn lại sẽ giúp Evergrande có thêm thời gian để thực hiện một thỏa thuận mang lại lợi nhuận cao hơn cho các chủ nợ so với trường hợp thanh lý. Bà nói thêm rằng nhà phát triển bất động sản này đã tiêu tốn quá nhiều thời gian trong 17 tháng qua cho việc đàm phán với các chủ nợ.
Cổ phiếu Evergrande đã giảm hơn 30% trong năm nay do hàng loạt rắc rối bủa vây tập đoàn này.
Theo đó, vụ kiện được đệ trình vào tháng 6/2022 bởi Top Shine Global Limited, chủ sở hữu của công ty là Lâm Hòa Văn, theo hồ sơ sàn giao dịch chứng khoán của Evergrande.
Top Shine Global và Triumph Roc International, công ty mẹ về đầu tư khác của ông Lâm, đã khởi kiện để thu hồi hơn 1,72 tỷ đô la Hồng Kông (220,5 triệu USD) khoản đầu tư vào đơn vị fintech có tên Fangchebao, nền tảng ô tô và bất động sản trực tuyến của Evergrande vào tháng 3/2021. Thương vụ này thất bại sau khi nhà phát triển Trung Quốc rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính tài chính chưa từng có.
Luật sư tại KB Chau & Co đại diện cho Top Shine Global đã yêu cầu Tòa án Tối cao Hồng Kông ra lệnh ngay lập tức để đóng cửa nhà phát triển này. Tuy nhiên, Kirkland & Ellis, công ty luật tư vấn cho nhóm chủ nợ nước ngoài đặc biệt và một bên quan tâm đến phiên điều trần, đã yêu cầu hoãn lại ba tháng.
“Chúng tôi nghĩ rằng công ty đang có cơ hội cuối cùng để đưa ra một đề xuất khả thi được khách hàng của tôi chấp nhận”. “Chúng tôi hy vọng công ty hiểu được thông điệp rất rõ ràng rằng đây sẽ là cơ hội cuối cùng”.
Evergrande đã phá vỡ kế hoạch tái cấu trúc nợ nước ngoài trị giá 20 tỷ USD. Kế hoạch đó đã đổ bể vào tháng trước, sau khi doanh số bán nhà sụt giảm và người sáng lập kiêm chủ tịch Hui Ka-yan bị giam giữ vì những tội danh chưa xác định.
Bên cạnh đó, những rắc rối khác tại công ty con chủ chốt của China Evergrande, Hengda Real Estate đang bị điều tra, đã làm tê liệt khả năng phát hành trái phiếu mới cho các chủ nợ nước ngoài của Evergrande. Một phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu của tập đoàn này. Theo các luật sư tư vấn tái cấu trúc tại Akin Gump Strauss Hauer & Feld, việc hoãn lại này là kết quả phương án tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại, do quy mô, sự phức tạp và tầm quan trọng của tình hình tại Evergrande. Đồng thời cũng nhấn mạnh đây là “cơ hội cuối cùng” trừ khi Evergrande có thỏa thuận hỗ trợ tái cơ cấu sửa đổi có hiệu lực trước ngày 4/12 tới đây.
Một trái chủ của Evergrande nhận định: “Tôi nghĩ không ai muốn nhìn thấy công ty này bị phát mại. Nhưng hiện tại, chúng tôi không thấy Evergrande đưa ra lựa chọn nào tốt hơn nên khả năng nó bị phá sản là rất cao”.
Nếu việc phát mại Evergrande, công ty đại chúng với tổng tài sản 240 tỷ USD vào cuối tháng 6, diễn ra sẽ gây thêm những chấn động trên thị trường vốn Trung Quốc, vốn đã mong manh do khủng hoảng tài chính.