Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2023, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 197 đồng.
Dẫn nguồn Báo Lao động, theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm 2023, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 197 đồng. Tổng số lỗ lũy kế của năm 2022-2023 dự kiến là 99.305 tỉ đồng.
Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân hiện đang được EVN bán ra có mức thấp hơn 10,57% so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Việc EVN bán điện với mức giá lỗ là do các chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng chưa được điều chỉnh đầu ra tương ứng để đủ bù đắp. Đặc biệt là chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, biến động của tỉ giá và các chi phí khác…
Vấn đề này đã được EVN đưa ra trong nhiều báo cáo trước đây. Cụ thể, tại báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, Tập đoàn này cho hay, năm 2023 nếu giá bán lẻ điện giữ theo giá bình quân hiện hành (1.880,9 đồng/kWh, tăng 16,5 đồng/kWh so với giá bình quân) thì EVN cùng các công ty thành viên có thể lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỉ đồng.
Trong đó 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế trong 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng (năm 2022 ước lỗ 28.876 tỉ đồng).
Thông tin gần đây nhất về kết quả sản xuất, kinh doanh trong 3 tháng đầu năm, EVN cho biết do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ năm 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.
Trong năm 2023, EVN đánh giá, giá các loại nhiên liệu giảm so với năm 2022. Tuy nhiên vẫn tăng rất cao so với giai đoạn 2020 - 2021. Cụ thể, giá than nhập tăng 2,32 lần so với năm 2021, tăng 5,30 lần so với năm 2020; giá dầu tăng 1,22 lần so với năm 2021, tăng 2,06 lần so với năm 2020; tỉ giá năm 2023 dự kiến cao hơn bình quân tỉ giá năm 2022.
Vì vậy, với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh (chưa được xem xét điều chỉnh sau 4 năm), EVN cho rằng - chỉ có nguồn thủy điện có giá thành điện thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân, mang lại lợi nhuận cho EVN, song sản lượng năm 2023 chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 33%.
Các nguồn điện còn lại như nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và chiếm tỉ trọng đến 67% về sản lượng. Điều này làm lỗ cho EVN.
Tổng số lỗ lũy kế của năm 2022-2023 dự kiến là 99.305 tỉ đồng. Việc lỗ này sẽ làm mất vốn nhà nước tại EVN (mất 44,8% vốn nhà nước tại EVN).
Trong buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho ngành điện ngày 15/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN sớm hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kiểm toán tài chính của tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên.
Bộ trưởng cho rằng việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Xây dựng tuyến cáp ngầm 77,7km đưa điện ra Côn Đảo: Doanh nghiệp nào đủ sức đảm nhận?
Chuyển 6 'ông lớn' có doanh thu hàng triệu tỷ từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về Bộ Công Thương