Hướng dẫn chi tiết cách tra cứu tiền điện hàng ngày, tránh ‘sốc’ khi nhận hóa đơn
Việc theo dõi số điện hàng ngày giúp người dân biết trước số tiền, tránh bị bất ngờ khi nhận hóa đơn cuối tháng.
Để tránh cảm giác “sốc” khi nhận hóa đơn tiền điện, đặc biệt trong những tháng cao điểm nắng nóng, nhiều người dân đã chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ hằng ngày thông qua các ứng dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như EVNHANOI, EVNHCMC, EVNSPC...
Hiện nay, EVN triển khai 4 ứng dụng chăm sóc khách hàng tương ứng với từng khu vực: EVNHANOI CSKH dành cho khu vực Hà Nội; EVNNPC CSKH dành cho các tỉnh miền Bắc (trừ Hà Nội); EVNCPC CSKH áp dụng tại khu vực miền Trung; EVNSPC CSKH dành cho các tỉnh miền Nam. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng phù hợp từ App Store (đối với hệ điều hành iOS) hoặc Google Play (đối với Android), sau đó đăng nhập bằng Mã khách hàng được in trên hóa đơn điện hoặc trong tin nhắn tiền điện hằng tháng.

Sau khi đăng nhập, người dân có thể truy cập các mục như "Điện năng tiêu thụ", "Chỉ số công tơ" hoặc "Biểu đồ phụ tải" để theo dõi mức điện tiêu thụ theo từng ngày. Dữ liệu này được tự động cập nhật từ công tơ điện tử, hiển thị chi tiết mức sử dụng điện trong ngày và cho phép so sánh với những ngày trước đó.
Không chỉ hỗ trợ việc theo dõi và điều chỉnh mức tiêu thụ điện năng, các ứng dụng của EVN còn cung cấp hàng loạt tiện ích như tra cứu lịch ghi chỉ số công tơ, địa điểm thu tiền điện, thời gian tạm ngừng cung cấp điện, thông tin thanh toán, tra cứu hóa đơn và tiếp nhận thông báo từ đơn vị cung cấp như thông báo tiền điện, thông báo tạm ngừng cung cấp điện...
Ngoài ra, người dân có thể chủ động thiết lập ngưỡng tiêu thụ điện phù hợp với nhu cầu sử dụng thông qua ứng dụng. Khi lượng điện vượt quá mức đã đặt, hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo, giúp người dùng kịp thời điều chỉnh hành vi sử dụng.
Nhờ việc cập nhật dữ liệu liên tục, người dân dễ dàng kiểm soát lượng điện tiêu thụ hàng ngày, từ đó hình thành thói quen sử dụng điện hợp lý, tránh tình trạng bị động khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

Trước đó, ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức công bố quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT). Theo đánh giá của EVN, việc điều chỉnh giá điện áp dụng từ ngày 10/5/2025 sẽ có tác động khác nhau đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, tùy theo sản lượng điện tiêu thụ thực tế của từng hộ gia đình, với mức độ ảnh hưởng được phân chia từ thấp đến cao, cụ thể:
Đối với các hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 10,55% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng;
Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 51kWh - 100kWh (chiếm 13,98% số hộ sinh hoạt), mức tăng tiền điện tăng khoảng 9.250 đồng/hộ/tháng;
Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101kWh - 200kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 20.150 đồng/hộ/tháng;
Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201kWh - 300kWh (chiếm 19,33% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 33.950 đồng/hộ/tháng;
Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400kWh (chiếm khoảng 9,89% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 49.250 đồng/hộ/tháng;
Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.
Tiền điện tăng bất thường trong tháng 6: Điện lực Hà Nội nói gì?
Nhiều hộ gia đình ở Thanh Hoá cũng 'sốc' vì tiền điện tháng 6 tăng vọt