Trong đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của EVN Hà Nội chỉ hơn 5 tỷ đồng.
Theo báo cáo kiểm toán kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2023 của EVN Hà Nội, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 52.058 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, trong đó doanh thu kinh doanh điện đạt 51.644 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ đạt 26,4 tỷ đồng do gánh nặng chi phí cao.
Với giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 48.920 tỷ đồng tăng 11% , EVN Hà Nội ghi nhận lãi gộp hơn 3.138 tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính của EVN Hà Nội đạt 206 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, phần lớn trong đó là lãi tiền gửi với 195 tỷ đồng. Nhưng các khoản chi phí trong kỳ cũng tăng cao như chi phí tài chính tăng 27% đạt 1.468 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay với hơn 1.357 tỷ), chi phí bán hàng hơn 813 tỷ đồng tăng 23%; chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 1.057 tỷ đồng tăng 8% so với năm trước.
Do đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN Hà Nội báo lãi kế toán trước thuế hơn 43,9 tỷ đồng nhờ ghi nhận hơn 47,8 tỷ đồng lợi nhuận khác, không được thuyết minh trong báo cáo. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận ròng của công ty đạt 26,4 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 lợi nhuận của công ty tiếp tục đi lùi.
Kết quả kinh doanh của EVN Hà Nội qua các năm. Đơn vị: tỷ đồng |
>> EVN tiếp tục thua lỗ, tính riêng 6 tháng đã âm 32 nghìn tỷ
Trong năm 2023, EVN Hà Nội chi hơn 164,4 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi, tính trung bình mỗi nhân viên nhận được hơn 21,85 triệu đồng. Số lượng nhân viên tại ngày 31/12/2023 là 7.534 người. Năm 2022, con số này trung bình khoảng 37,2 triệu đồng mỗi người.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của EVN Hà Nội đạt 33.423 tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 8.308 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 25.115 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng lên 893 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với đầu năm, chủ yếu là nguyên vật liệu với 853 tỷ đồng.
Nợ phải trả của EVN Hà Nội vào cuối năm 2023 là 22.498 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu (10.925 tỷ đồng). Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là hơn 11,8 tỷ đồng, tăng gần 2,8 lần so với đầu năm. Phải trả người lao động tăng 17,4% lên hơn 743,8 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan, EVN Hà Nội có hơn 436,2 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và hơn 1.860 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Ngoài ra, công ty còn có hơn 3.656 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm tại các ngân hàng thương mại và công ty tài chính, hưởng lãi suất từ 3,4% đến 8,7%/năm.
Theo báo cáo tài chính, EVN Hà Nội sẽ không còn công ty con, công ty liên kết. Cụ thể, CTCP Tư vấn Xây dựng Điện lực Hà Nội là công ty liên kết của EVN Hà Nội. Tuy nhiên, vào ngày 25/5/2023, công ty này đã tăng vốn điều lệ, và EVN Hà Nội không thực hiện góp vốn bổ sung. Do đó, tỷ lệ sở hữu của EVN Hà Nội tại công ty này giảm từ 20% xuống còn 14,07%, chuyển từ khoản đầu tư vào công ty liên kết sang khoản đầu tư vào đơn vị khác.
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập tại văn bản số 60/TTg-ĐMDN ngày 12/01/2010 và giao cho Bộ Công Thương thành lập theo Quyết định số 738/QĐ-BCT ngày 05/02/2010 với VĐL là 9.892 tỷ đồng. Trụ sở chính đặt tại Số 69 Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội là doanh nghiệp do Tập đoàn Điện lực Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ Tổng công ty.
>> Chuyến tàu chở 60.000 tấn khí LNG của PV GAS đã cập bến, chuẩn bị cho mùa cao điểm
EVN tiếp tục thua lỗ, tính riêng 6 tháng đã âm 32 nghìn tỷ
Một kỷ lục của ngành điện được xác lập, EVN phải 'mượn' khách hàng trợ giúp