Fed bị 'ép giảm lãi suất': Thị trường đang đặt cược vào đâu?
Chưa đầy một tháng, toàn bộ kỳ vọng thị trường về chính sách tiền tệ Mỹ đã bị lật ngược ngoạn mục. Fed từ chỗ là “người cầm trịch” nền kinh tế toàn cầu – nay đang chới với giữa vòng xoáy của thị trường và địa chính trị, bị cuốn đi bởi chính những kỳ vọng mà họ từng kiểm soát.
Dưới áp lực từ chính sách thuế quan gây sốc của Tổng thống Donald Trump, toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu đang bước vào một chu kỳ tái cấu trúc kỳ vọng sâu sắc. Không chỉ các công cụ vĩ mô như đường cong lãi suất, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY), hay lạm phát kỳ vọng có sự biến động dữ dội, mà ngay cả vị thế truyền thống của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – vốn là trục xoay của toàn bộ chu trình chính sách tiền tệ toàn cầu – cũng đang bị “uốn cong” dưới áp lực địa chính trị và phản ứng thị trường.
Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 4/2025 của AFA Capital, Fed đang đối mặt với thế “gậy ngắn không chạm tới mục tiêu”, và “việc tiếp tục áp thuế quan có thể tự gây tổn thương cho kinh tế Mỹ nếu không được điều chỉnh kịp thời”.
Áp lực từ “Trumpflation”: Khi chính sách thương mại làm lệch công cụ tiền tệ
Theo AFA Capital, thuế quan đang là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2025. Việc Tổng thống Donald Trump ban hành mức thuế 10% phổ thông và cao hơn với các nước có thâm hụt thương mại đã khiến chỉ số bất định thương mại (Trade Uncertainty Index) vọt lên mức cao nhất trong lịch sử – gấp ba lần so với thời kỳ Trump 1.0. “Trump 2.0 đang tạo ra mức độ biến động thương mại lớn chưa từng thấy, vượt xa giai đoạn 2018–2019", theo nhận định trong báo cáo AFA Capital.
![]() |
Chỉ số Bất định Thương mại lập đỉnh lịch sử dưới nhiệm kỳ Trump 2.0. Nguồn: Matteoiacoviello, AFA Capital. |
Kết quả là xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào kịch bản “hạ cánh cứng” (hard landing) đã tăng từ 33% lên 49% chỉ trong một tháng, theo khảo sát của BOFA và Đại học Michigan. Đồng thời, lạm phát kỳ vọng một năm tăng lên mức 3,2% và kỳ vọng 5 năm lên 2,9% – mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ cú sốc chi phí do thuế quan, tức là lạm phát phi chu kỳ (acyclical inflation) – một loại lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát của chính sách tiền tệ.
![]() |
Nguy cơ hạ cánh cứng tăng vọt, lạm phát kỳ vọng vượt đỉnh 5 năm. Nguồn: BOFA, Michigan University, AFA Capital. |
Theo mô hình phân tích của Cục Dự trữ Liên bang San Francisco, lạm phát phi chu kỳ đã quay trở lại và chiếm hơn 60% tổng lạm phát hiện nay, vượt xa mức lạm phát chu kỳ. Đây là loại lạm phát xuất phát từ yếu tố chi phí bên ngoài như giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, thay vì đến từ nhu cầu nội địa. Điều này khiến chính sách lãi suất gần như không còn hiệu lực, đẩy Fed vào thế bị động hoàn toàn.
![]() |
Lạm phát phi chu kỳ trở lại: Khi Fed không còn công cụ hiệu quả. Nguồn: Federal Reserve Bank of San Francisco, AFA Capital. |
DXY lao dốc, đường cong SOFR “nghiêng gắt”: Thị trường ra tín hiệu khẩn cấp
Một trong những tín hiệu rõ nhất cho thấy thị trường đang “ra lệnh” cho Fed chính là sự lao dốc nhanh và mạnh của chỉ số DXY. Theo báo cáo của AFA Capital, “DXY đã giảm tới 9% trong 15 tuần qua, mức giảm nhanh nhất kể từ đại dịch 2020". Nguyên nhân chính là sự mạnh lên của các đồng tiền EUR, JPY và GBP, cộng hưởng với kỳ vọng rằng Fed sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ nhanh hơn ECB và BOJ.
![]() |
DXY giảm sâu trong 15 tuần liên tiếp do kỳ vọng Fed hạ lãi suất và áp lực từ thuế quan. Nguồn: Federal Reserve Bank of San Francisco, AFA Capital. |
“Chúng tôi kỳ vọng DXY duy trì ở vùng 97–102 do Fed sẽ hạ lãi suất nhanh hơn nhóm ECB và BOJ", AFA Capital nhận định. Biểu đồ tỷ trọng DXY theo tuần cho thấy sự sụt giảm diễn ra liên tục và mạnh mẽ trong suốt 15 tuần, phản ánh tâm lý thị trường ngày càng lo ngại về chính sách thương mại Mỹ và khả năng mất kiểm soát lạm phát do thuế quan.
Tín hiệu “bear steepening” cũng xuất hiện rõ ràng trên đường cong lãi suất hoán đổi SOFR – với lãi suất kỳ hạn ngắn giảm nhanh trong khi kỳ hạn dài vẫn neo cao. Dữ liệu ngày 15/4/2025 cho thấy lãi suất kỳ hạn 1 năm chỉ còn 3,55%, trong khi kỳ hạn 30 năm vẫn giữ ở mức 3,92%. Theo AFA Capital, “sự chênh lệch lớn giữa đầu ngắn và đầu dài của đường cong là dấu hiệu điển hình của kỳ vọng cắt giảm lãi suất khẩn cấp".
![]() |
Đường cong hoán đổi SOFR dốc ngắn hạn, phản ánh kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất nhanh. Nguồn: Federal Reserve Bank of San Francisco, AFA Capital. |
Song song đó, thị trường Repo – thước đo nhạy cảm nhất về thanh khoản ngắn hạn – cũng ghi nhận mức tăng vọt, khiến giới phân tích lo ngại về nguy cơ đứt gãy hệ thống tài chính. Theo AFA Capital, ba chỉ báo lớn đang cùng lúc phát tín hiệu nguy hiểm cho Fed: DXY giảm mạnh, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài tăng và thị trường Repo bị siết thanh khoản.
Chiến thuật “short-run pain”: Khi chính trị điều phối ngược tiền tệ
Trong bối cảnh đó, AFA Capital đánh giá: “Tình trạng hiện nay có thể gọi là short-run pain, long-run reform – Mỹ chấp nhận đau đớn ngắn hạn để thúc đẩy cải cách dài hạn và ép Fed phải hạ lãi suất". Tổng thống Trump đang tận dụng chính sách thuế quan không chỉ như công cụ thương mại mà còn là công cụ gián tiếp điều phối chính sách tiền tệ, làm lu mờ ranh giới giữa Fed và Nhà Trắng.
Một minh chứng là việc miễn thuế tạm thời đối với các mặt hàng công nghệ cao như smartphone, laptop, chất bán dẫn – những mặt hàng Mỹ phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này không chỉ giúp giảm bớt cú sốc giá cho người tiêu dùng, mà còn khẳng định rằng chính sách thương mại giờ đây mang tính chiến lược, có thể điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Hiện tượng phân kỳ giữa DXY và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm (US10Y) chính là bằng chứng cho sự thay đổi cơ bản trong logic thị trường. Trong khi lợi suất tăng do trái phiếu bị bán tháo, đồng USD lại giảm mạnh – phản ánh kỳ vọng về việc Fed sẽ phải bơm tiền để cứu thanh khoản. “Khi các quốc gia lớn bán tháo trái phiếu Mỹ, Fed không thể chỉ quan tâm đến nội địa mà còn phải tính đến áp lực từ các đối tác toàn cầu", AFA Capital nhấn mạnh.
![]() |
DXY và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm phân kỳ mạnh sau cú sốc thuế quan. Nguồn: AFA Capital. |
Chính sách tiền tệ không còn là quyết định độc lập
Theo AFA Capital, trong bối cảnh hiện nay, việc hạ lãi suất “không còn là lựa chọn chính sách mà là phản ứng bắt buộc". Báo cáo tháng 4 dự báo Fed sẽ giảm lãi suất từ 2–3 lần trong năm 2025, thay vì 2 lần như dự báo tháng trước, để “trung hòa hậu quả của các biến động địa chính trị và tránh đứt gãy hệ thống tài chính toàn cầu".
AFA Capital nhấn mạnh: “Thị trường hiện đang đặt cược vào khả năng Fed hành động không phải vì mục tiêu lạm phát, mà để tránh khủng hoảng niềm tin". Đó là một bước chuyển quan trọng: từ việc sử dụng lãi suất như một công cụ điều tiết, giờ đây Fed đang bị buộc phải hạ lãi suất vì thị trường đã "gán định" kỳ vọng đó vào hệ thống.
Sự lệch pha giữa chính sách và thị trường chưa từng rõ ràng đến thế. Nếu trước đây Fed giữ vai trò là người cầm tay lái định hướng kinh tế, thì giờ đây họ giống như một bánh lái bị cuốn trôi theo dòng nước mạnh của chính trị và tâm lý thị trường. Chính điều này khiến cho những hành động sắp tới của Fed, dù mang tính kỹ thuật, lại mang theo sức nặng chính trị và chiến lược chưa từng có.
Chính sách tiền tệ Mỹ đang đối mặt với một trong những thử thách phức tạp và khó lường nhất kể từ khủng hoảng 2008. Với áp lực từ thuế quan, kỳ vọng thị trường và biến động địa chính trị, Fed không còn là trung tâm điều tiết mà trở thành nạn nhân bị điều tiết.
>> Tỷ giá chịu áp lực, lãi suất vẫn thấp: NHNN đang ‘giữ nhịp’ như thế nào?
Giá vàng ngày càng ‘nóng’ sau khi ông Donald Trump chỉ trích Chủ tịch Fed
Dow Jones lao dốc gần 1.000 điểm sau khi ông Trump ép Chủ tịch Fed 'hạ lãi suất ngay lập tức'