Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện tăng lãi suất của FED mới đây đã khiến dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng khỏi thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo báo cáo của Refinitiv, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14,22 tỷ USD trong tháng 4/2022 đồng thời cũng là tháng thứ 4 liên tiếp bán ròng đối với các cổ phiếu châu Á; tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2022 ở mức 45,76 tỷ USD.
Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng kỳ vọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực ở Mỹ và việc phong tỏa chặt chẽ để chống COVID-19 ở Trung Quốc đã tác động đến các doanh nghiệp trong khu vực từ đó khiến các nhà đầu tư chỉ đứng ngoài thị trường quan sát trong tháng 4 vừa qua.
Theo thống kê của Refinitiv, vốn ngoại chảy ra khỏi các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ lần lượt là 8,86 tỷ USD, 4,97 tỷ USD và 2,24 tỷ USD trong tháng 4/2022.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 45,76 tỷ USD trên các thị trường chứng khoán châu Á - mức cao nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ ít nhất là năm 2008.
Tuy nhiên, không phải thị trường chứng khoán châu Á nào cũng chứng kiến dòng vốn chảy ra. Có thể kể đến Chứng khoán Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đã có dòng vốn ròng của ngoại đổ vào lần lượt là 1,57 tỷ USD, 289 triệu USD và 175 triệu USD trong tháng 4/2022.
Tương tự, chứng khoán Việt Nam cũng được mua ròng 175 triệu USD trong tháng này.
Mới nhất, ngày 4/5/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5 điểm phần trăm sau khi tăng lên mốc 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3. Động thái trên đánh dấu một bước ngoặt mạnh mẽ về mặt chính sách mà FED đã theo đuổi trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Đáng lưu ý, FED đã không tăng lãi suất quá 0,25 điểm phần trăm kể từ tháng 5/2000.
Nhiều ý kiến cho rằng câu chuyện tăng lãi suất của FED mới đây đã khiến dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng khỏi thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bày tỏ quan điểm về ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đánh giá, việc khối ngoại rút đi chắc chắn có liên quan đến việc FED tăng lãi suất cũng như các động thái của tổ chức này.
Ông Bình cho rằng, việc dòng vốn rút ra hiện tại khá tương đồng với năm 2018. Tuy nhiên, sau đó dòng vốn này đã sớm lại tìm chỗ giải ngân sau 1 - 2 năm tới. Do lãi suất tăng lên, nhiều quỹ ETF ngoại đã gặp áp lực với khoản đầu tư Trái phiếu, dòng vốn có biến động là tất yếu.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, dù diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường trong nước khá hơn Châu Á nhưng cần lưu ý bệ đỡ mạnh nhất của thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước chứ không phải khối ngoại khi chính nhóm này bán ròng miệt mài hơn 2 năm qua và nhờ nhà đầu tư cá nhân rất mạnh đã đỡ được thị trường thậm chí giúp thị trường liên tục lập các đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, hiện nay, dù khối ngoại có sự tích cực hơn nhưng với giao dịch của họ trên thị trường chiếm tỷ trọng nhỏ trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân bán ròng thì khối ngoại mang tính chất hỗ trợ về tâm lý và kiềm hãm đà giảm điểm nhiều hơn là xoay chuyển cục diện.
Việc FED và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu chứ không riêng gì thị trường nào. Như quan sát cho thấy, các thị trường chứng khoán ngoài châu Á, cả thị trường tài sản số, trái phiếu,... cũng đều bị rút mạnh.