FPT mang lại giàu có cho rất nhiều người, tiếp tục bứt phá mạnh nhờ AI?
Sau hơn 2 thập kỷ cổ phần hóa, FPT của ông Trương Gia Bình trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam và là ông lớn công nghệ xuất khẩu chất xám thu tỷ USD, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Nvidia.
Sự bứt phá mạnh mẽ
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm mưa làm gió trên thị trường công nghệ và thị trường chứng khoán trên phạm vi toàn cầu.
Cổ phiếu Công ty Cổ phần FPT (FPT) gần đây tăng bứt phá, đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Sau chuỗi ngày tăng mạnh, tới hết phiên giao dịch ngày 1/7, cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT do ông Trương Gia Bình làm chủ tịch ở mức 128.600 đồng/cp. Hợp tác cùng với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Nvidia trong làn sóng AI, FPT gần tăng mạnh theo đà tăng chóng mặt của cổ phiếu Nvidia, có lúc đạt 136.100 đồng/cp (hôm 21/6). Trước đó, lần đầu tiên trong lịch sử, trong phiên ngày 18/6, Nvidia đã vượt Microsoft và Apple, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Với mức giá hiện tại, FPT trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán về vốn hóa, chỉ xếp sau 2 đại gia ngân hàng là Vietcombank và BIDV. FPT vượt Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long để trở thành tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam, với vốn hóa tính tới ngày 1/7 đạt gần 188 nghìn tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), so với mức gần 181 nghìn tỷ đồng của HPG.
Cổ phần hóa cách đây hơn hai thập kỷ, FPT khi đó là CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT với số vốn ban đầu là 20 tỷ đồng (năm 2002). Tới cuối quý I/2024, vốn góp của chủ sở hữu là gần 13 nghìn tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, FPT tăng trưởng khá nhanh nhưng sau đó chậm lại trong vòng hơn một thập kỷ, từ năm 2007 cho tới 2019, trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ trong vài năm qua.
Từ năm 2007 tới 2019, FPT vẫn được xem là một đế chế trong ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng 12 năm đó, cổ phiếu FPT gần như không hề tăng so với những phiên đầu niêm yết trên sàn chứng khoán theo mức giá điều chỉnh. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp khác đã có sự bứt phá ngoạn mục như Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC)...
Tháng 4/2019, khi quy mô vốn hóa của Vingroup lên tới 370 nghìn tỷ đồng thì FPT chưa tới 29 nghìn tỷ đồng. Còn doanh nghiệp chủ sở hữu Zalo (VNG) có thời điểm được quỹ đầu tư của Temasek (Singapore) mua cổ phần với định giá lên tới hơn 2 tỷ USD. Cổ phiếu đối thủ của Tập đoàn FPT là CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) đã trỗi dậy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khoảng 4 năm qua, FPT có sự bứt phá ấn tượng và vượt qua Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về quy mô vốn hóa.
Kỳ vọng vào trend AI và bán dẫn
Trong quá khứ, FPT từng là cổ phiếu mang lại sự giàu có cho rất nhiều người thời kỳ đầu trên thị trường chứng khoán. Từ năm 2006, ông Trương Gia Bình đã trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán, với khối tài sản khi đó có giá trị 2.400 tỷ đồng.
Sau một thập kỷ trầm lắng, từ nửa cuối năm 2020, cổ phiếu FPT vào một đợt tăng giá rất mạnh, từ mức dưới 20.000 đồng vụt tăng lên ngưỡng 60.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) vào đầu năm 2022.
Đến năm 2023, cổ phiếu FPT một lần nữa lại gây sốt, từ mức giá 60.000 đồng bất ngờ leo lên đỉnh cao lịch sử quanh vùng 130.000 đồng/cp như hiện tại. Tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu FPT có hàng chục lần lập đỉnh cao mới.
Thời gian gần đây, FPT được kỳ vọng rất lớn. Đây là một trong những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn được hưởng lợi sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện hồi tháng 9/2023. Mỹ thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn sang các nước thân thiện.
Cũng trong 1-2 năm gần đây, ngành bán dẫn Việt Nam trở nên rất nóng với việc hàng loạt doanh nghiệp như Amkor Technology, Synopsys, Marvell, SK... công bố đầu tư vào các dự án bán dẫn tại Việt Nam.
FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực này.
Câu hỏi được đặt ra là triển vọng cổ phiếu FPT trong thời gian tới và cơn sốt AI trên phạm vi toàn cầu có tiếp tục tác động tích cực tới doanh nghiệp của ông Trương Gia Bình hay không?
Một số chuyên gia gần đây dự báo cú bứt tốc của ông lớn công nghệ Nvidia của Mỹ chưa dừng lại, vốn hóa từ mức cao kỷ lục 3.300 tỷ USD như hiện tại có thể lên tới 10.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, cổ phiếu FPT cũng không nằm ngoài cơn sốt AI toàn cầu khi doanh nghiệp này là đối tác của Nvidia.
Theo Chứng khoán MBS, bằng cú bắt tay với gã khổng lồ Nvidia, FPT sẽ có động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn khi AI tạo sinh đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.
FPT gần đây đẩy mạnh đầu tư vào trung tâm dữ liệu tiên tiến, hay còn được gọi là "nhà máy AI". Bên cạnh đó, FPT cũng xây dựng lộ trình phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn.
Trong lần làm việc gần đây với Chủ tịch Nvidia Jensen Huang, ông Trương Gia Bình cho biết lĩnh vực chip bán dẫn, AI là hướng đi trọng tâm trong thời gian tới. FPT mong muốn cùng Nvidia đưa Việt Nam thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới.
Trong năm 2023, FPT ghi dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài. Tập đoàn này lên kế hoạch năm 2030 đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong mảng này.
Mảng điện toán đám mây của FPT được đánh giá cao. Mảng gia công phần mềm ngành ô tô cũng được kỳ vọng bứt phá. FPT thành lập FPT Automotive với 4.000 kỹ sư và đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030. Hồi tháng 4 vừa qua, FPT đã trở thành đối tác cung ứng công nghệ cho Tập đoàn Vingroup và xe điện VinFast.
Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023.
>> Cổ phiếu FPT bị khối ngoại bán thêm 250 tỷ đồng, một mã ngân hàng được mua mạnh nhất