FPT Retail (FRT) chính thức gia nhập thị trường viễn thông di động

20-06-2023 10:31|Quỳnh Châu

Bước chân vào mảng viễn thông di động, FPT Retail sẽ cung cấp dịch vụ mạng di động ảo – thị trường ngách chỉ chiếm 2,1% tổng số thuê bao tại Việt Nam.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã chứng khoán: FRT) vừa được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/5. Như vậy, bên cạnh các nhà mạng di động lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel và các doanh nghiệp di động ảo, FPT Retail là đơn vị tiếp theo được cấp phép tại Việt Nam để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam là gần 130 triệu, trong đó các doanh nghiệp di động ảo là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường. Với sự tham gia của FPT Retail, thị trường này hứa hẹn sẽ ngày càng trở nên sôi động.

Theo giấy phép, FPT Retail được phép cung cấp các dịch vụ này thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tập trung vào định hướng phát triển các thuê bao sử dụng 3G/4G hoặc các công nghệ cao hơn.

Tại Việt Nam, FPT Retail gia nhập thị trường viễn thông di động với một số lợi thế, chẳng hạn, doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop và gần 1.300 cửa hàng Dược phẩm Long Châu. Ngoài ra, FPT Retail mỗi năm bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone/thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng.

Hơn thế, là thành viên của tập đoàn FPT, FPT Retail có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh. Tập đoàn FPT là đối tác của nhiều hãng công nghệ toàn cầu và đã cung cấp nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin cho các công ty viễn thông di động Việt Nam và quốc tế trong suốt hàng chục năm nay. Sở hữu những lợi thế này, FPT Retail kỳ vọng sẽ trở thành một mạng di động mới hướng đến người tiêu dùng trẻ.

Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến, mà thay vào đó di động ảo sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách liên kết với một đơn vị nhà mạng đã sở hữu hạ tầng sẵn có và phân phối cho khách hàng dựa trên những thế mạnh của mình.

Thống kê vào cuối năm 2022 cho thấy có đến 1.986 doanh nghiệp di động ảo đang hoạt động trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi số lượng của các nhà khai thác mạng viễn thông truyền thống. Doanh thu của thị trường di động ảo trên thế giới năm 2022 cũng đạt con số lý tưởng 78,15 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028.

Trước FPT Retail, thị trường Việt Nam đã có các nhà mạng ảo là iTel, Reddi, Local và Digilife. Trong bối cảnh các nhà mạng lớn chiếm hơn 90% thị phần và thị trường viễn thông được cho là đã bão hòa, các nhà mạng ảo từng gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, thị trường di động ảo được đánh giá đang sôi động trở lại, khi sự phát triển của công nghệ và xu hướng tiêu dùng mới đang làm thay đổi mô hình kinh doanh của dịch vụ viễn thông.

Trước đó, hồi tháng 9/2021, Tập đoàn Masan thông qua công ty thành viên là The Sherpa đã chi gần 300 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần của Mobicast - công ty sở hữu mạng Reddi, hướng đến tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào nền tảng duy nhất. Hệ sinh thái rộng lớn của Masan được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi giúp Reddi phát triển.

Sếp FPT Retail bật mí cách dùng công nghệ để dẫn lối thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu

6 năm rượt đuổi trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc Việt: An Khang tụt dốc trước sự bành trướng của Long Châu, lối thoát nào để tái sinh?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/fpt-retail-frt-chinh-thuc-gia-nhap-thi-truong-vien-thong-di-dong-188490.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    FPT Retail (FRT) chính thức gia nhập thị trường viễn thông di động
    POWERED BY ONECMS & INTECH