FPT Telecom có hơn 12.800 tỷ đồng tiền đi gửi các ngân hàng, thu lãi tiền gửi 370 tỷ đồng trong 6 tháng.
CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom – mã chứng khoán FOX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần quý 2 đạt 3.606 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ, trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn, đến 15,9% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.775 tỷ đồng, tăng 9,4% so với quý 2 năm ngoái.
Trong quý doanh thu tài chính đạt 201 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Chi phí tài chính cũng tăng đến 82,5% lên mức 126 tỷ đồng. Ngoài ra chi phí bán hàng tăng 29,9%, lên mức 501 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 7,3% xuống còn 601 tỷ đồng. Những yếu tố trên tác động khiến cho lợi nhuận trước thuế quý 2 còn 744 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng 20,8% so với số lãi gần 500 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý công ty đạt được từ nhiều năm nay.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu FPT Telecom đạt 7.077 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Trừ chi phí vốn, công ty lãi gộp 3.500 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 382 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính 226 tỷ đồng, tăng 78,2% so với quý 2/2021 chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Cùng với đó chi phí bán hàng tăng 7,2% lên 960 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,1% lên 1.238 tỷ đồng. Kết quả, FPT Telecom lãi trước thuế 1.445 tỷ đồng, hoàn thành 51% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 21,2% lên 1.161 tỷ đồng.
Đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh khả quan quý 2 và nửa đầu năm 2022 của FPT Telecom là khoản doanh thu tài chính – mà chủ yếu là thu lãi tiền gửi. Thay vì mang tiền đi đầu tư chứng khoán và lỗ như nhiều doanh nghiệp khác, FPT Telecom lại dùng cách “buôn tiền”. Số liệu ghi nhận đến 30/6/2022 FPT Telecom còn 12.687 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng (tăng 1.450 tỷ đồng so với đầu năm) và 172 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng (giảm 100 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng tiền mang đi gửi ngân hàng hơn 12.800 tỷ đồng – đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khoản doanh thu tài chính tăng mạnh.
Nói FPT “đi buôn” tiền, bởi tiền gửi ngân hàng nhiều để lấy lãi, nhưng FPT Telecom cũng đang là “con nợ” với tổng dư nợ vay tài chính ngắn và dài hạn đến 30/6/2022 hơn 9.800 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 9.070 tỷ đồng (giảm 1.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). FPT Telecom cũng luân chuyển tiền vay trong kỳ khá lớn với việc phát sinh tăng vay ngắn hạn trong kỳ hơn 6.100 tỷ đồng và phát sinh trả bớt nợ vay trong kỳ gần 7.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, FPT Telecom có khoản nợ xấu 454 tỷ đồng, trong đó dự kiến giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 37 tỷ đồng.