Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ đậm, 'khốn khổ' vì dự án nhà máy mới

17-01-2024 08:50|Hải Băng

CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) báo cáo kết quả kinh doanh không khả quan với doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh dù chiếm phần lớn thị trường thép miền Bắc.

CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023. Tính riêng quý IV/2023, công ty ghi nhận 2.741,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 26,08% svck.

Giá vốn hàng bán lên tới 95,3%, tăng thêm 2,2%, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp của TIS giảm mạnh 67,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, doanh nghiệp thép này lãi sau thuế 15,6 tỷ đồng, trong khi quý IV/2022 lỗ 16,8 tỷ đồng, thoát chuỗi 5 quý thua lỗ liên tục.

Kết quả kinh doanh khả quan vào quý cuối năm không giúp Gang thép Thái Nguyên thoát khỏi cảnh bết bát. Cả năm 2023, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu 9.351,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 179,2 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đạt 11.699,4 tỷ đồng doanh thu và chỉ lỗ 9,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ nặng nề bởi biên lãi gộp giảm mạnh. Cụ thể, năm 2022, biên lãi gộp của doanh nghiệp là 3,7%, sang đến năm 2023 chỉ còn 1,9% bằng đúng chi phí lãi vay. Trong khi đó công ty còn phải gánh chịu chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ đậm, 'khốn khổ' vì dự án nhà máy mới
Lợi nhuận gộp của TIS năm 2023 chỉ đủ đóng lãi vay.

Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của TIS là 10.251 tỷ đồng, ngang với năm 2022. Trong đó, doanh nghiệp dành tới 6.626,7 tỷ đồng để triển khai dự án "Cải tạo mà mở rộng sản xuất công ty gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2" với tổng chi phí dự toán ban đầu là 3.843,7 tỷ đồng và dự toán đầu tư sau điều chỉnh là 8.104,9 tỷ đồng. Hiện tại dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai và chờ được cơ quan Nhà nước tháo gỡ vướng mắc.

Trước đó, vào năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) quyết định khởi tố bị can 14 đối tượng liên quan đến những sai phạm xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Gang thép Thái Nguyên (TIS)
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hàng nghìn tỷ đồng bỏ hoang, thiết bị hoen gỉ gần 20 năm và vẫn gánh lãi vay hàng năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp lên tới 8.546,2 tỷ đồng, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ vay là 4.474,6 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn là 2.139,1 tỷ đồng.

Như vậy, TIS đang ngặp khó khăn về tài chính khi dành phần lớn tài sản được hình thành từ nợ phải trả dồn cho dự án nhà máy gang thép, tuy nhiên dự án này gặp vướng mắc chưa thể triển khai dẫn đến ách tắc nguồn vốn. Kết thúc ngày 31/12/2023, trong 6.626,7 tỷ đồng ghi nhận đầu tư vào dự án có tới 3.413 tỷ đồng được vốn hóa từ lãi vay.

>> Nhiên liệu đầu vào giảm mạnh, cổ phiếu thép bùng nổ

Phân tích kỹ thuật: Mua, bán hay giữ 2 ‘ông lớn’ bất động sản NVL - NLG

Chủ hãng rượu Vodka tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ

Nhận định chứng khoán 17/1: Thị trường chinh phục mốc 1.200 điểm?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gang-thep-thai-nguyen-tis-lo-dam-khon-kho-vi-du-an-nha-may-moi-220150.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ đậm, 'khốn khổ' vì dự án nhà máy mới
POWERED BY ONECMS & INTECH