Doanh nghiệp A-Z

Gặp khó vì Novaland (NVL) và Hòa Bình (HBC), ‘đại gia’ buôn thép phải bán quyền chủ nợ rẻ, chịu lỗ 76%

Thu Huyền 03/10/2024 - 09:53

Trong 1 năm trở lại đây, “đại gia” buôn thép đã liên tục phải bán đi tài sản do gặp khó khăn tài chính vì không thu hồi được công nợ của Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC).

Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) vừa thông qua việc chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ phải thu tại CTCP Beton 6 sang cho bà Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 1976). Giá trị khoản nợ là hơn 12,6 tỷ đồng và Đầu tư Thương mại SMC sẽ nhận lại từ bà Lan Anh số tiền 3 tỷ đồng. Như vậy, SMC chỉ nhận lại được 23,8% tổng giá trị khoản nợ.

Gặp khó vì Novaland (NVL) và Hòa Bình (HBC), ‘đại gia’ buôn thép phải bán quyền chủ nợ rẻ, chịu lỗ 76%
SMC phải bán quyền chủ nợ rẻ hơn 76% so với giá trị gốc (ảnh minh họa)

Trước đó, Đầu tư Thương mại SMC cũng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng với diện tích 27.731,4m² tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng. Giá trị chuyển nhượng dự kiến hơn 96 tỷ đồng (bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Đây không phải là lần đầu tiên SMC lên kế hoạch bán hàng loạt bất động sản. Vào tháng 11/2023, công ty đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê tại SMC Bình Dương với diện tích 6.197m² và giá trị 49 tỷ đồng. Đến tháng 1/2024, SMC tiếp tục bán quyền sử dụng đất thuê tại SMC Tân Tạo 2 với diện tích 9.096m² và giá trị chuyển nhượng dự kiến 126 tỷ đồng. Ngày 11/4/2024, công ty cũng thông qua việc chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại 681 Điện Biên Phủ, TP. HCM, với giá trị 170 tỷ đồng.

SMC liên tục lên kế hoạch bán tài sản trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của SMC giảm 40% so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.470 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính, công ty đã thu về 89 tỷ đồng lãi sau thuế, khả quan hơn so với khoản lỗ 385 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là các khoản công nợ liên quan đến Tập đoàn Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC). Đến cuối tháng 6/2024, SMC ghi nhận lỗ hơn 22% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC, sau khi hoán đổi từ khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng. Khoản đầu tư này có nguy cơ mất trắng do tình hình kinh doanh của HBC suy yếu. HBC đã ghi nhận lỗ lũy kế âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp, khiến cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết trên HoSE.

Hệ sinh thái của Novaland cũng đối mặt với nợ xấu nghiêm trọng, với Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận và Công ty TNHH The Forest City đứng đầu danh sách với hơn 700 tỷ đồng nợ xấu. SMC đã trích lập dự phòng 570 tỷ đồng cho các khoản nợ này.

Trong ĐHĐCĐ năm 2024, Phó Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, cho biết nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập thêm 90 tỷ đồng trong quý II và gần 300 tỷ đồng cho cả năm 2024.

>> Gặp khó với công nợ từ Novaland (NVL) và Hòa Bình (HBC), ‘đại gia’ buôn thép phải bán thêm BĐS ở Đà Nẵng

Tuổi 36 của một đại gia ngành thép, liên tục bán tài sản để cứu nguy dòng tiền

‘Ông lớn’ ngành thép Formosa gặp khó, Hà Tĩnh có nguy cơ hụt thu ngân sách

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gap-kho-vi-novaland-nvl-va-hoa-binh-hbc-dai-gia-buon-thep-phai-ban-quyen-chu-no-re-chiu-lo-76-251613.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Gặp khó vì Novaland (NVL) và Hòa Bình (HBC), ‘đại gia’ buôn thép phải bán quyền chủ nợ rẻ, chịu lỗ 76%
POWERED BY ONECMS & INTECH