Giá cà phê cao chưa từng có, doanh nghiệp Việt kín đơn hàng
Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới tăng nóng, loại hạt này ở nước ta cũng vọt lên mức cao chưa từng có trong lịch sử. Hoạt động xuất khẩu sôi động, doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến hết quý I/2024, thậm chí phải từ chối bớt đơn hàng.
Nhà nhập khẩu thế giới tìm về Việt Nam mua hàng
Chia sẻ về thị trường xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Phúc Sinh, báo tin, năm 2023 công ty phát triển được một số thị trường mới như Trung Đông, mở rộng hệ thống phân phối tại Mỹ, thị phần tại thị trường EU được giữ ổn định. Doanh số năm 2023 của công ty tăng trưởng 25% so với năm trước đó.
“Cuối năm ngoái, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sang các thị trường mới. Hiện, đơn hàng xuất khẩu cà phê đã kín đến hết quý I/2024”, ông chia sẻ.
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh cũng cho hay, doanh nghiệp đang không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam. Bởi, cà phê của nước ta trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc Robusta.
Ngoài ra, Việt Nam gần như là nhà cung cấp cà phê Robusta số 1 không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng và khả năng cung ứng.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam - nhận định, chất lượng cà phê của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhờ người nông dân chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất cà phê đặc sản, chế biến sâu.
“Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”, ông nói. Thực tế cho thấy, trong năm vừa qua các doanh nghiệp ở nước ta gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.
Ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê hoà tan), cho biết, doanh nghiệp đang xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc, Dubai, Úc và EU.
Nhu cầu của các nhà nhập khẩu cà phê tăng khá cao, đơn hàng nhiều. Song doanh nghiệp phải từ chối bớt đơn hàng lớn do đang thiếu vốn sản xuất, vay ngân hàng lại khá khó khăn, ông Tuệ cho hay.
Theo chuyên gia ngành hàng cà phê, chất lượng Robusta của Việt Nam đang được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Nếu tập trung hơn nữa vào chế biến sau thu hoạch, cà phê Việt sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Giá cao chưa từng có
Buổi trưa trên vườn cà phê ở Đắk Mil (Đắk Nông), ông Nguyễn Văn Tạo cùng với người làm vẫn tất bật thu hái. Ông khoe: “Giá như hiện nay người trồng cà phê trúng lớn. Trung bình 1ha thu được khoảng 5 tấn cà phê nhân, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng”.
Hiện giá cà phê nhân xô lên tới trên 71.000-72.000 đồng/kg. Hai ngày nữa ông Tạo sẽ thu hoạch xong vụ cà phê này. Sản lượng cà phê nhân của gia đình ông ước khoảng 15 tấn. Dù năng suất không bằng vụ trước nhưng giá lại cao kỷ lục.
“Sau mấy chục năm trồng cà phê, đây là năm đầu tiên tôi bán được giá cao đến vậy”, ông nói. Gia đình ông Tạo ước lãi khoảng 750 triệu đồng sau khi thu hoạch xong vụ này. Bởi, quá trình canh tác, chi phí tưới tiêu nước cho vườn cà phê của gia đình ông thấp hơn so với những hộ dân khác nên lợi nhuận cao hơn.
Tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, giá mặt hàng này sắp chạm mốc 73.000 đồng/kg. Cụ thể, ngày 17/1, giá cà phê ở Lâm Đồng tăng lên 72.100 đồng/kg; ở Đắk Lắk và Kon Tum có giá 72.600 đồng/kg; Đắk Nông giá dao động từ 72.800-72.700 đồng/kg; Gia Lai giá cà phê cũng tăng lên ngưỡng 72.700 đồng/kg.
Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, những ngày tới giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên có thể đạt 73-74 triệu đồng/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London lúc 5h12 phút ngày 17/1 tăng nóng 154 USD/kg, dao động từ 2.792-3.170 USD/tấn, cao nhất trong vòng 16 năm qua. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 là 3.141 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 là 3.170 USD/tấn.
Trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 3/2024 tăng mạnh 5,25 cent, lên mức 185,25 cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng tới 4,7 cent, ở mức 182,05 cent/lb.
Nhiều dự báo cho thấy giá cà phê Robusta sẽ biến động theo xu hướng tăng do lo ngại cước phí vận tải biển tăng cao và yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê của Brazil.
Tồn kho Robusta giảm nhanh. Nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu Robusta đang chạy đôn chạy đáo vì thiếu loại hạt này để giao hay lo sợ trễ lịch giao hàng ảnh hưởng uy tín.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao. Tồn kho cà phê thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 26,5 triệu bao.
Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ tăng, có thể lập đỉnh do lo thiếu hụt nguồn cung.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2023, tổng sản lượng cà phê của nước ta đạt trên 1,97 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với năm 2022. Theo đó, nước ta xuất khẩu 1,62 triệu tấn cà phê các loại, thu về 4,24 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Năm nay, sản lượng cà phê dự báo giảm xuống mức 1,66 triệu tấn, vụ mùa thấp nhất trong 4 năm, do thời tiết không thuận lợi. Song, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong năm 2024 kỳ vọng đạt 5 tỷ USD nhờ giá neo ở mức cao.
Nước ta đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng sức cung ứng cà phê không đủ mạnh như những năm trước. Người dân có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục.
>> Thế giới phụ thuộc nguồn cung từ Việt Nam, một loại hạt thu tiền nhiều kỷ lục