Sau khi chung cư ở các thành phố lớn “bùng nổ”, giá neo ở mức cao, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tìm đến bất động sản ở các tỉnh đầu tư.
Đất "vùng sâu vùng xa" bất ngờ được giá
Theo báo cáo của DKRA Group về thị trường bất động sản TP. HCM và vùng phụ cận, ở phân khúc đất nền trong quý I/2024, nguồn cung sơ cấp tăng khoảng 18% so với thời điểm cuối năm 2023. Thị trường đất đền đã bắt đầu “rã băng”. Cụ thể, mức độ quan tâm đến đất nền vào hai quý cuối năm 2023 chỉ đạt 44% lực cầu ở thời kỳ sốt nóng 2021, nhưng sang quý I năm nay đã tăng lên mức 48%.
Bắt nhịp vào sự hồi phục của bất động sản TP. HCM, gần đây thị trường nhà đất tỉnh lân cận cũng có một số tín hiệu tăng. Các khu vực từng là “điểm nóng” đất vườn như Định Quán, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch (Đồng Nai); Phú Mỹ, Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu); Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Đắk Lắk, Kon Tum… sau thời gian im ắng, đến nay đã có tín hiệu tăng.
Trên một số trang mua bán bất động sản, giá đất nền tại khu vực Kon Tum đã tăng cao không kém các khu vực đô thị, dao động trong khoảng 20-27 triệu/m2. Tại Đắk Lắk cũng vậy, dao động trong khoảng 18-23 triệu/m2 cho những mảnh đất mặt đường.
Những nhà đầu tư từng ôm nhiều đất vườn trong giai đoạn 2020-2021 đã bắt đầu rục rịch tung giỏ hàng với mức giảm giá từ 10-30% so với giá đỉnh sốt. Tuy nhiên, so với thời điểm thị trường "xuống đáy" thì giá đã lên trở lại.
Miền Bắc cũng xảy ra tình hình tương tự. Sau khi chung cư ở Hà Nội “bùng nổ”, giá neo ở mức cao, nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tìm đến bất động sản ở các tỉnh ven Hà Nội đầu tư.
Anh Quang, một môi giới đất nền tại Hà Nội cho biết, anh bắt đầu quay trở lại thị trường đất nền ở tỉnh. Từ sau Tết đến nay, anh đi nhiều tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình... để "săn" hàng. Anh cho hay, có những ngày cao điểm đưa gần 10 lượt khách đi xem đất, buổi sáng ở vùng ven thành phố, nhưng đầu giờ chiều đã có mặt ở những vùng quê làng xã có tiềm năng phát triển trong tầm giá 1-3 tỷ đồng/mảnh, nằm gần trục đường chính, ven khu công nghiệp...
Anh Mai Đức Thắng, môi giới địa ốc được mệnh danh là “thổ địa” ở Sa Pa (Lào Cai) cũng cho biết, các nhà đầu tư đang quay trở lại Sa Pa “săn” hàng giá tốt, với dòng tiền phổ biến dao động từ 4-10 tỷ đồng.
Hiện, mặt bằng giá đất nền dự án khu vực trung tâm Sa Pa ở mức 50-65 triệu đồng/m2, khu vực vùng ven giá “mềm” hơn nhưng cũng dao động ở mức 15-30 triệu đồng/m2. Đất chia lô trong khu dân cư có giá 6-15 triệu đồng/m2 (các lô diện tích 5m x 20m (chiều rộng và chiều sâu), nằm ven trục đường liên thôn...
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Lý giải về việc nhà đầu tư đổ xô săn đất nền tỉnh, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS (BHS Group) cho rằng, lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục, khoảng 8 triệu tỷ tiền gửi ngân hàng đang tìm đường vào bất động sản để giữ tài sản. Do đó, họ phải giải ngân dòng tiền vào bất động sản ở khu vực giá rẻ hơn, chưa bị tác động của dòng tiền mới, giá đang ở ngưỡng thấp.
Một chuyên gia khác nhận định, giá rao bán chung cư mấy tuần trở lại đây có xu hướng giảm. Và nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng dòng tiền cũng là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát, đánh giá đất đô thị, ven thành phố lớn gần như đã bão hòa, tỷ suất sinh lời sẽ thấp hơn. Trong khi giá đất ở các tỉnh xa nhiều nơi hiện vẫn còn khá thấp, vì vậy biên độ tăng sẽ lớn hơn.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao cũng đi cùng rủi ro lớn. Do đó, để an toàn, khi đầu tư đất tỉnh, các nhà đầu tư cần xác định thời gian chờ có thể lên đến 3-5 năm hoặc dài hơn. Điều này chỉ phù hợp với dòng tiền nhàn rỗi, không nên dùng đòn bẩy tài chính.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần lưu ý đến 4 yếu tố, gồm thông tin quy hoạch, tiềm năng tăng giá của khu vực, sự hiện diện của các chủ đầu tư lớn và diễn biến thị trường trong các năm trước. Đặc biệt là cần tránh “bánh vẽ” của môi giới, mua nhầm sản phẩm “cắt lỗ” nhưng giá vẫn quá cao.
>> Chi hơn 3.000 tỷ 'xóa sổ' 2 làn xe đoạn cao tốc xuyên qua vùng lõi Vườn Quốc gia Bạch Mã