Sau ba đời Trạng nguyên, dòng họ này thời sau cũng liên tục xuất hiện nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng.
Tài năng xuất chúng bộc lộ từ nhỏ
Theo gia phả họ Hồ tam công, Hồ Tông Thốc sinh năm Giáp Tý (1324), tại Gò Tràm – thời Trần gọi là Kẻ Cuồi hay Trang Cuồi, thuộc xã Quỳ Trạch, tổng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành.
Thuở thơ ấu Hồ Tông Thốc có tên là Hồ Giác Thiết và một tên khác nữa là Hồ Tông Xác. Ông nội của Hồ Tông Thốc là cụ Hồ Kha - cháu đời thứ 13 của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.
Hồ Tông Thốc nổi tiếng là con nhà nghèo ham học và học giỏi, được xem là thần đồng. Lớn lên, ông được cha gửi ra học một thầy đồ ở huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Nổi tiếng hay chữ, giỏi làm thơ, có trí nhớ rất tốt, Hồ Tông Thốc rất được thầy yêu mến.
Ông vốn thông minh lại được sống trong một dòng dõi thế phiệt, ông có tài năng từ thuở nhỏ. Sách “Cương mục” viết rằng: “Thốc tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học”. “Hồ gia thế phả” cho biết, lúc bé, ông ở làng, sau ra du học tại xã Võ Ngại thuộc huyện Đường Hào (Hải Dương).
Theo sách Kể chuyện thần đồng Việt Nam, dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), một vị quan lớn họ Lê treo đèn, đặt tiệc, mời văn nhân đến nhà bình thơ. Khách văn chương kéo đến tấp nập, những người nổi tiếng về văn thơ đều có mặt cả. Hồ Tông Thốc bấy giờ còn nhỏ nhưng cũng đến dự. Khi đề vừa đưa ra, ông làm liên tiếp 100 bài thơ, trong khi mọi người vẫn còn suy nghĩ chưa ra.
Đến khi bình, cả trăm bài thơ của ông đều rất hay, không bài nào kém bài nào. Tất cả đều vượt trội so với những bài khác. Từ đó, tiếng tăm của ông vang danh khắp vùng, giới văn nhân không ai không kính phục.
Khoa Tân Tỵ (1341) đời vua Trần Hiến Tông, Hồ Tông Thốc vừa tròn 17 tuổi dự thi Đình và đỗ Trạng nguyên với bài văn được lưu truyền khắp nước. Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm làm Trung Thư Lệnh, và trải qua các chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ, kiêm Thẩm Hình viện sứ.
Là người có học vấn uyên bác, giỏi thơ văn, có tài ứng đối linh hoạt, ông thường được vua Trần cử giao thiệp với các sứ thần nước ngoài và nhiều lần đi sứ Trung Quốc. Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa danh xưng Việt Nam với ý nghĩa là Quốc hiệu và ghi tên nước Việt Nam vào bộ sử nước nhà do ông soạn thảo. Ông cũng là người đầu tiên có quan điểm độc đáo, đúng đắn về thời đại Hồng Bàng – cũng tức thời đại Hùng Vương, và mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử.
Sử thần Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” bàn về sách “Việt sử cương mục” của Hồ Tông Thốc: Riêng có bộ “Việt sử cương mục” của Hồ Tông Thốc làm là ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được. Nhưng sau cơn binh lửa, sách ấy không truyền.
Hổ phụ sinh hổ tử
Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông trở về lấy cô con gái quan thị lang làm vợ và sinh hạ nhiều nhân tài kế tiếp. Con trai của Hồ Tông Thốc là Hồ Tông Đốn và cháu nội là Hồ Tông Thành (con trai của Hồ Tông Đốn) cũng đỗ Trạng nguyên.
Người đương thời ca ngợi gia đình Hồ Tông Thốc là “Lũy thế phương danh chiêu Nhạn Tháp/Nhất gia thịnh sự ích Long Môn” và “Phụ Trạng nguyên, tử diệc Trạng nguyên” - ý nói cha con nhiều đời kế tiếp nhau đỗ Trạng.
Về việc ba thế hệ ông - con - cháu liên tiếp đỗ Trạng nguyên, được nhiều sách, nhiều đời nhắc đến. Tuy vậy, trong “Đăng khoa lục” và các bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại không ghi danh. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, vì họ là Trại Trạng nguyên - không phải là Kinh Trạng nguyên nên không được khắc tên trên bia Văn Miếu. Tuy nhiên, ý kiến này không thỏa đáng vì năm 1266 đời vua Trần Thánh Tông – Bạch Liêu đỗ Trại Trạng nguyên và vẫn có tên trên bia Tiến sĩ.
Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng cần bổ sung thêm vào các tư liệu chính thống. Vừa để tôn vinh một sự kiện hiếm có của lịch sử khoa bảng thời phong kiến. Đồng thời, là cách để khẳng định tính chính danh để thế hệ sau biết đến như một minh chứng của truyền thống khoa bảng.
Sau ba đời Trạng nguyên, họ Hồ thời sau cũng liên tục xuất hiện nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng: Hồ Bỉnh Quốc làm đến chức Thị lang, Hồ Sĩ Dương làm đến Thượng thư, Hồ Phi Tích giữ chức Thượng thư, Hồ Sĩ Tân chức Thị chế, Hồ Sĩ Đống chức Thượng thư...
Hồ Tông Thốc tuy chung nguồn gốc dòng tộc với Hồ Quý Ly nhưng có quan điểm khác nhau về vận nước, về việc phò tá vua. Từ năm 1388, nhất là sau khi biết Hồ Quý Ly xúi Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông bức tử vua Trần Phế Đế, cùng sự kiện Hồ Quý Ly giết hại hàng trăm tôn thất nhà Trần nên ông đã muốn xin nghỉ.
Đến năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Hồ Tông Thốc lấy lý do tuổi già sức yếu cáo quan về quê Kẻ Cuồi và mất tại đây năm Giáp Thân (1404), thọ 80 tuổi.
Ngoài tài năng xuất chúng về thơ văn, ngoại giao, Hồ Tông Thốc còn là một nhà sử học lớn. Cùng với bộ “Việt sử cương mục”, ông còn viết bộ “Việt Nam thế chí” gồm 2 tập chép 18 đời vua Hùng và thế phả họ Triệu.
Ông cũng là tác giả các tập sách: An Đăng báo ân viện bí minh, Thảo Nhàn hiệu tần thi tập, Phú học chí nam. Tiếc rằng, những tập sách này đã bị nhà Minh tịch thu đem về Kim Lăng trong thời kỳ đô hộ nước ta, nay không còn nữa. May mắn là, gia phả họ Hồ ở Thái Nhã và các tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích… còn chép được một số bài thơ của ông.
>> Gia đình đặc biệt nhất thế giới có tới 5/6 thành viên đạt giải Nobel