Vùng đất được bồi đắp bởi phù sa 4 con sông, sản sinh nhiều trạng nguyên và danh sĩ, sau này chia tách thành 3 tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập
Vùng đất này từng được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào; từng chia tách thành 3 tỉnh. Hiện nay, 3 tỉnh này đang trong diện dự kiến sẽ phải sáp nhập sau điều chỉnh đơn vị hành chính.
Từng trải qua nhiều lần tách nhập
Tỉnh Hà Nam Ninh trước đây nằm ở phía Nam miền Bắc, sở hữu vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Phía Bắc của tỉnh Hà Nam Ninh giáp tỉnh Hà Sơn Bình, Hải Hưng; phía Đông Bắc giáp tỉnh Thái Bình; Phía Tây giáp tỉnh Thanh Hóa và phía Đông Nam giáp Biển Đông.
Vào năm 938, sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn xong 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt - nơi đặt kinh đô Hoa Lư, là trung tâm của đất nước.
Dưới thời Lý, Trần, vùng đất này thuộc 3 lộ, phủ gồm: Hoàng Giang, Trường Yên và Thiên Trường.
Thời Hậu Lê, vùng đất được sáp nhập thành Trấn Sơn Nam với các phủ: Lý Nhân, Thiên Quan, Trường Yên, Nghĩa Hưng và Thiên Trường.
Thời nhà Nguyễn, Vua Minh Mạng đã thành lập 13 tỉnh Bắc Kỳ và vùng đất này thuộc 3 tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định.
Đến năm 1980, tỉnh Hà Nam được thành lập từ một phần của tỉnh Hà Nội và Nam Định. Năm 1965, tỉnh Nam Định được hợp nhất với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà.

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ và sau khi nghiên cứu ý kiến của HĐND các tỉnh, đến ngày 27/12/1975, Quốc hội đã có Nghị quyết hợp nhất một số tỉnh, trong đó có việc hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh mới, lấy tên Hà Nam Ninh.
Thống kê năm 1979 cho thấy, diện tích toàn tỉnh Hà Nam Ninh thời điểm đó ở vào khoảng 3.522km2 với mức dân số hơn 2,7 triệu người.
Đến năm 1991, diện tích toàn tỉnh là 3.763km2 với mức dân số hơn 3,1 triệu người.
Thời điểm đó, tỉnh Hà Nam Ninh có tỉnh lỵ là TP. Nam Định cùng 3 thị xã trực thuộc là thị xã Hà Nam, thị xã Ninh Bình và thị xã Tam Điệp.
Ở vào thời điểm hợp nhất, Hà Nam Ninh có 20 đơn vị hành chính, gồm: TP. Nam Định, thị xã Hà Nam, thị xã Ninh Bình và 17 huyện: Bình Lục, Duy Tiên, Gia Khánh, Gia Viễn, Hải Hậu, Kim Bảng, Kim Sơn, Lý Nhân, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Nho Quan, Thanh Liêm, Vụ Bản, Xuân Thủy, Ý Yên, Yên Khánh, Yên Mô.
Sau khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập các huyện/xã vào ngày 27/4/1977: Hợp nhất 2 huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và thị xã Hà Nam thành huyện Kim Thanh. Thị xã Hà Nam chuyển thành thị trấn Hà Nam, huyện lỵ huyện Kim Thanh.

Hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư. Thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn Ninh Bình, huyện lỵ huyện Hoa Lư. Hợp nhất 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn thành huyện Hoàng Long.
Hợp nhất huyện Yên Mô và 10 xã của huyện Yên Khánh là: Khánh Hòa, Khánh Phú, Khánh An, Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải, Khánh Ninh, Khánh Lợi, Khánh Tiên, Khánh Thiện thành huyện Tam Điệp. Huyện lỵ là thị trấn Tam Điệp.
Sáp nhập 9 xã còn lại của huyện Yên Khánh là: Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thủy, Khánh Công, Khánh Thành vào huyện Kim Sơn.
Vào ngày 9/4/1981, sau quá trình chia, tái lập các huyện và thị xã đã tiến hành chia lại huyện Kim Thanh thành thị xã Hà Nam và 2 huyện Kim Bảng, Thanh Liêm; đồng thời tái lập thị xã Ninh Bình, tách khỏi huyện Hoa Lư. Chia huyện Hoàng Long thành 2 huyện Gia Viễn và Hoàng Long.
Đến ngày 17/12/1982, tỉnh Hà Nam Ninh thành lập thị xã Tam Điệp trên cơ sở tách thị trấn Tam Điệp và 2 xã Yên Bình, Yên Sơn (thuộc huyện Tam Điệp).
Thời gian này, tỉnh Hà Nam Ninh có 1 TP Nam Định, 3 thị xã: Hà Nam, Ninh Bình, Tam Điệp và 16 huyện: Bình Lục, Duy Tiên, Gia Viễn, Hải Hậu, Hoa Lư, Hoàng Long, Kim Bảng, Kim Sơn, Lý Nhân, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Tam Điệp, Thanh Liêm, Vụ Bản, Xuân Thủy, Ý Yên.
Đến ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, sau khi nghe tờ trình của Hội đồng Bộ trưởng, ý kiến của Hội đồng Nhân dân các tỉnh và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã có Nghị quyết chia tách một số tỉnh, trong đó có chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh là tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình.
Lúc này, tỉnh Nam Hà có 13 đơn vị hành chính gồm: TP. Nam Định, thị xã Hà Nam và 11 huyện gồm: Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng có diện tích tự nhiên 2.423,59 km2 với dân số hơn 2,4 triệu người. Tỉnh lỵ là TP. Nam Định.
Tỉnh Ninh Bình gồm 7 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Ninh Bình, thị xã Tam Điệp cùng 5 huyện: Hoa Lư, Tam Điệp, Gia Viễn, Hoàng Long, Kim Sơn có diện tích tự nhiên 1.386,77km2 với số dân hơn 780 nghìn người. Tỉnh lỵ là thị xã Ninh Bình.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX diễn ra vào ngày 6/11/1996 đã ra nghị quyết chia tỉnh Nam Hà để tái lập tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định.
Theo đó, tỉnh Hà Nam gồm thị xã Phủ Lý cùng 5 huyện: Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm. Tỉnh Nam Định gồm thành phố Nam Định và 6 huyện: Hải Hậu, Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Xuân Thủy, Ý Yên.
Cái tên gắn liền với nhiều dấu ấn
Trong quá khứ, Hà Nam Ninh từng là vùng đất được bồi đắp phù sa của 4 con sông lớn gồm: Sông Hồng, sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào; đồng thời thu nhận đất đai bị bào mòn từ vùng núi cao trôi xuống.
Những điều kiện tự nhiên này đã tạo cho vùng đất nơi đây nhiều đặc trưng về văn hóa, lịch sử của vùng đất giao thoa, vùng đệm kết nối văn hóa.

Trung tâm 3 tỉnh tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh hiện nay là 3 TP nằm cân xứng trên giao điểm của 2 trong 3 tuyến đường là Quốc lộ 1, Quốc lộ 10 và Quốc lộ 21B với khoảng cách xấp xỉ 30km.
Trên thực tế, Hà Nam Ninh là tỉnh được thành lập trên cơ sở vùng đất trấn Sơn Nam.
Trấn Sơn Nam là vùng đất lâu đời và giàu truyền thống văn hóa, nằm ở phía Nam của Kinh thành Thăng Long xưa; ứng với các vùng văn hóa đặc trưng khác như: xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Kinh Bắc, xứ Đông, xứ Đoài.
Cái tên Hà Nam Ninh dù ngày nay không còn tồn tại nhưng tên gọi vẫn gắn liền với khá nhiều sự kiện lịch sử, nhiều tổ chức cũng như doanh nghiệp đang hoạt động, gắn liền với đời sống của người dân.
Theo đó, một cơ quan Nhà nước có tên Cục Hải quan Hà Nam Ninh đóng tại TP. Hoa Lư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình cũng đã được duy trì thời gian khá dài.
Hay như Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nam Ninh (KĐT Đồng Quýt, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định)...
Nơi đây cũng từng là mảnh đất sản sinh nhiều trạng nguyên trong lịch sử như Trạng lường Lương Thế Vinh, Trạng bồng Vũ Duy Thanh, Trạng nguyên Đào Sư Tích, Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Hà Nam Ninh cũng là quê hương của nhiều danh sĩ nổi tiếng như Thái phó Trương Hán Siêu, nhà văn Nam Cao, nhạc sĩ Văn Cao, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến...
Bộ Nội vụ mới đây đã hoàn tất Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cùng tờ trình kèm theo để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo như tờ trình Dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, 11 tỉnh/thành trên cả nước được đề xuất giữ nguyên hiện trạng sau sắp xếp và 51 tỉnh/thành còn lại được đề xuất sáp nhập sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Cụ thể, 11 tỉnh/thành được đề xuất giữ nguyên hiện trạng bao gồm: TP. Hà Nội, TP. Huế, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
52 địa phương còn lại trên cả nước thuộc diện phải sắp xếp trong đó bao gồm cả 4 TP trực thuộc Trung ương gồm: TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Chính thức từ hôm nay, 3 tỉnh/thành dự kiến sẽ sáp nhập được 'cởi trói' trong lĩnh vực này
Khai trương chuyến tàu cao tốc từ trung tâm TP. HCM đến hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh tại Việt Nam