Gia đình duy nhất Việt Nam có 2 vợ chồng cùng được phong tặng NSND đợt đầu tiên, chồng là người sáng lập nền Kịch nói tại Việt Nam, vợ là diễn viên gạo cội
Họ đầu là những nghệ sĩ có tiếng tăm và có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật nước nhà.
Nhà thơ Thế Lữ và nghệ sĩ Song Kim là cặp vợ chồng tài giỏi nổi tiếng của làng văn học nghệ thuật Việt Nam. Không chỉ vậy, họ còn đi vào lịch sử nghệ thuật nước nhà khi là cặp đôi hiếm hoi cùng được phong tặng danh hiệu NSND ngay ở đợt đầu tiên.
NSND Thế Lữ tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ (1907 – 1989), quê ở ấp Thái Hà, Hà Nội. Thế nhưng tuổi thơ của Thế Lữ trải qua ở Lạng Sơn, nơi mang đến cho ông cảm hứng về sự thâm u của truyện đường rừng và của thơ nhớ rừng sau này.
Sau khi anh trai qua đời, Thế Lữ trở về Hải Phòng sống với mẹ. Năm 1929, ông thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng chỉ học một năm. Trong thời gian ở Hà Nội, ông kết bạn với nhiều văn nghệ sĩ và bắt đầu viết văn, gửi tác phẩm tới Nhà xuất bản Tân Dân dưới bút danh "Đào Thị Tô cùng viết với Thế Lữ".
Tháng 3/1934, Thế Lữ gia nhập Tự Lực văn đoàn, hoạt động tích cực gần 10 năm và để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng. Năm 1937, ông chuyển sang sân khấu kịch nói, cùng Lan Sơn và Lê Đại Thanh thành lập nhóm kịch Thế Lữ ở Hải Phòng, chuyên diễn các vở của Vi Huyền Đắc. Năm 1936, ông cùng một số nghệ sĩ thành lập ban kịch Tinh Hoa, nhưng ban kịch tan rã sau khi báo Tinh Hoa ngừng hoạt động. Thế Lữ trở về Hải Phòng, tiếp tục phát triển nhóm kịch của mình.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thế Lữ tích cực tham gia cách mạng, đóng góp nhiều ý tưởng phát triển sân khấu. Năm 1946, ông trình bày báo cáo về kế hoạch xây dựng nền tân kịch tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Năm 1948, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và trưởng Đoàn Sân khấu Việt Nam.
Năm 1949, Thế Lữ tham gia Đoàn kịch Chiến Thắng, biểu diễn phục vụ quân đội ở nhiều địa phương. Năm 1952, ông làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương và nghiên cứu chèo. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục cống hiến cho sân khấu, tham gia Đoàn Kịch nói Trung ương, tiền thân của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà, Thế Lữ luôn được coi là một người nghệ sĩ tiên phong. Không chỉ là người có công lớn trong việc mở đầu phong trào Thơ mới, ông còn là người đầu tiên đưa hoạt động biểu diễn kịch nói ở nước ta trở nên dần chuyên nghiệp.
Với những đóng góp này, nhà thơ, nhà biên kịch Thế Lữ đã được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào đợt đầu tiên năm 1984. Năm 2000, Thế Lữ được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
Đặc biệt, trong đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đầu tiên này, bà Song Kim – người vợ thứ hai của nhà thơ Thế Lữ – cũng được vinh danh với danh hiệu cao quý này.
NSND Song Kim (1913 – 2008) là một trong những nữ diễn viên tiên phong của kịch nói Việt Nam. Bà có tên thật là Phạm Thị Nghĩa. Vợ chồng Thế Lữ – Song Kim gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1936 tại buổi ra mắt vở kịch "Ghen" của Đoàn Phú Tứ. Sau đó, Thế Lữ đã mời bà đảm nhận vai cô Mão trong vở kịch "Gái không chồng". Từ thời điểm đó, Song Kim thường xuyên tham gia vào các vở kịch do Thế Lữ đạo diễn.
Vài năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, họ nên duyên vợ chồng và sống hạnh phúc bên nhau cho đến cuối đời. Dù không có con chung, nghệ sĩ Song Kim vẫn góp phần quan trọng trong việc nuôi dạy con riêng của Thế Lữ với người vợ trước, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.
Với tài năng xuất sắc, NSND Song Kim đã có những đóng góp to lớn cho nền kịch nói Việt Nam. Dù vậy, bà luôn sống khiêm tốn, tận tụy và một lòng cống hiến cho nghệ thuật. Khi rời Nhà hát Kịch Việt Nam để về hưu, NSND Song Kim đã xúc động chia sẻ bằng hai câu thơ đầy tình cảm: “Kiếp sau nếu được làm người/ Tôi xin trở lại cuộc đời diễn viên".