Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, phải trả nhiều tiền hơn cho loại lương thực đã trở nên đắt đỏ trong vài tuần qua.
Chính phủ Ấn Độ tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng xuất khẩu, khi quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới này nỗ lực ổn định giá cả, đảm bảo nguồn cung trong nước.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi, phải trả nhiều tiền hơn cho loại lương thực đã trở nên đắt đỏ trong vài tuần qua. Lệnh cấm và việc áp thuế 20% được thực hiện vào tháng 9/2022, do lo ngại về sản lượng khi lượng mưa dưới mức trung bình ở các bang trồng trọt chính. Một quan chức chính phủ cấp cao không công bố danh tính cho biết việc xuất khẩu gạo không giảm mặc dù áp mức thuế 20% là lý do tại sao Ấn Độ tin rằng không có lý do gì để giảm hoặc bỏ thuế.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng 3,5%, lên mức kỷ lục 22,26 triệu tấn trong năm 2022. Nguồn tin từ chính phủ cho biết Ấn Độ không thể tiếp tục xuất khẩu gạo tấm để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các nước khác làm nguyên liệu thô cho sản xuất ethanol hoặc thức ăn gia súc. Ấn Độ muốn đáp ứng ưu tiên cho ngành công nghiệp trong nước. Trung Quốc là nước mua gạo tấm nhiều nhất của Ấn Độ, với lượng mua 1,1 triệu tấn trong năm 2021.
Ấn Độ cũng gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo do lo ngại hiện tượng thời tiết El Nino có thể ảnh hưởng đến mùa mưa năm nay. Ấn Độ hạn chế dự trữ lúa mỳ nhưng dự trữ gạo dồi dào để có thể sử dụng nếu tình hình thời tiết có bất ngờ lớn.
Giá lúa gạo trong nước liên tục tăng cao
Giá lúa gạo hôm nay 27/2 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.100 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm biến động trái chiều. Hiện giá cám khô ở mức 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tấm vững ở mức 9.100 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa, giá điều duy trì ổn định. Cụ thể, tại kho An Giang, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua ở mức 6.700 – 6.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Trong khi đó, lúa OM 18 điều chỉnh tăng 100 đồng/kg lên mức 6.800 – 6.900 đồng/kg.
Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Hiện lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo về nhiều hơn, giá gạo có xu hướng tăng trở lại. Thị trường lúa ổn định, giá neo cao.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định. Hiện giá gạo 5% tấm đang ở mức 453 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 433 USD/tấn. Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu giảm 10 USD/tấn so với tuần trước.
Theo các doanh nghiệp, những ngày gần đây, giá lúa gạo có xu hướng giảm nhưng không nhiều. Nguyên nhân là do đầu vụ giá lúa gạo tăng quá cao, cả doanh nghiệp thu mua chế biến và nhà nhập khẩu đều không có lời nên thị trường hạ nhiệt.
Trong tuần qua, các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam đều ghi nhận lượng hàng xuất khẩu tăng so với tuần trước, trong đó tăng mạnh nhất là Indonesia.
Xuất khẩu gạo Việt "rộng cửa" trong năm 2023
Bộ Công Thương nhận định dự báo xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 359.300 tấn gạo, mang về 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, con số này giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong tháng 1 và tháng 2/2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Cụ thể, tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại nhưng tăng 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, giá gạo dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia; trong đó, có cả Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khươi thông nguồn vốn. Đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đang đến gần.
VFA đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I- II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm Năm mới.
Với thị trường nội địa, giá nội địa dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao do vụ Thu Đông sẽ dứt điểm với sản lượng thấp hơn mọi năm và phải đến giữa tháng 3/2023 vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân 2022/23.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bởi Trung Quốc có khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã và đang theo sát tình hình thị trường, đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo dự đoán thị trường năm 2023, từ nhu cầu lương thực thế giới cùng với những tác động, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở một số nước sản xuất lúa gạo có thể sẽ giảm nguồn cung. Trong khi nhu cầu không giảm, thị trường gạo sẽ nhộn nhịp hơn. Đây chính là tiền đề mở ra những kỳ vọng cho sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.
Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.