Theo FAO, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài có thể khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao do nguồn cung bị đứt gãy.
Nga và Ukraine đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực toàn cầu, trong đó Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nhà cung cấp lớn thứ năm.
Cùng nhau, hai quốc gia này cung cấp 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn một phần ba lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Họ cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng tập trung cao độ, trong đó Nga là nhà sản xuất hàng đầu.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga, cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực.
Điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì của Nga và Ukraine từ 30% trở lên. Nhiều quốc gia trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông.
Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào hơn 50% nguồn cung phân bón của Nga, và tình trạng thiếu hụt ở đó có thể kéo dài sang năm sau.
Giá lương thực, vốn tăng kể từ nửa cuối năm 2020, đã lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 do nhu cầu tăng cao, chi phí đầu vào và vận chuyển tăng, cũng như những gián đoạn tại cảng.
Giá dầu hạt cải và dầu hướng dương tăng hơn 60%. Nhu cầu cao và giá khí đốt tự nhiên biến động cũng làm tăng chi phí phân bón, như giá urê, một loại phân đạm chủ chốt, đã tăng hơn ba lần trong 12 tháng qua.
Mức độ và thời gian của xung đột vẫn chưa chắc chắn. Khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nhà xuất khẩu chủ yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu leo thang nghiêm trọng, khi giá lương thực và thực phẩm quốc tế đã ở mức cao và biến động.
Xung đột cũng có thể hạn chế sản xuất nông nghiệp và sức mua ở Ukraine, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng tại địa phương.
Tại Ukraine, vụ mùa ngũ cốc sẽ sẵn sàng cho thu hoạch vào tháng 6, nhưng liệu người nông dân có thể thu hoạch và đưa ra thị trường hay không vẫn chưa rõ ràng.
Việc người dân phải sơ tán và di chuyển ồ ạt đã làm giảm số lượng lao động nông nghiệp và công nhân. Việc tiếp cận các cánh đồng nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất rau quả cũng sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên mức phí bảo hiểm tăng cho khu vực Biển Đen sẽ làm trầm trọng thêm chi phí vận chuyển vốn đã cao, và làm tăng thêm chi phí nhập khẩu thực phẩm. Và, liệu các cơ sở lưu trữ và chế biến có còn nguyên vẹn hay không và tình hình nhân viên cũng vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó các cảng của Nga trên Biển Đen hiện đang mở cửa và dự kiến sẽ không có gián đoạn lớn đối với sản xuất nông nghiệp trong ngắn hạn.
Nhưng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga đã gây ra một sự sụt giảm nghiêm trọng về giá, nếu tiếp tục, có thể làm suy yếu năng suất và tăng trưởng, cuối cùng làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp.