Sau khi dụ dỗ nạn nhân nạp tiền vào, những kẻ lừa đảo còn giả mạo bản cam kết của công ty Sen Đỏ để tạo niềm tin và lừa tiền.
Phản ánh đến VietNamNet, anh Hoàng Trí, sống tại TP.HCM cho biết, anh nhận được một cuộc gọi đầu dây bên kia xưng là sàn thương mại điện tử Sendo mời tham gia cộng tác viên làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng. Ngay sau đó, số điện thoại này yêu cầu anh add Zalo (điền mã giới thiệu), rồi làm nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành like sản phẩm Sendo, chụp hình gửi lại cho Zalo trên.
Thực hiện xong nhiệm vụ, anh Trí được tài khoản Zalo này giới thiệu add tài khoản telegram tên Trần Hoàng Tú Quyên để nhận lương. Sau khi được đưa vào nhóm có tên “Nhiệm vụ phổ thông 1”, cung cấp số tài khoản, anh được các đối tượng chuyển khoản cho 10.000 đồng tiền thưởng cho việc làm xong nhiệm vụ giới thiệu.
Nhận tiền xong, anh Trí bắt đầu được giới thiệu làm thêm 3 nhiệm vụ bài tập và được chuyển khoản 30.000 đồng. Bước tiếp theo là làm các nhiệm vụ phổ thông. Ngay ngày đầu tiên, anh làm gần 50 nhiệm vụ (mỗi nhiệm vụ làm xong được chuyển ngay tài khoản 8.000 -10.000 đồng), vì làm được hơn 40 nhiệm vụ/ngày, nên anh Trí đã được hưởng thêm lương 300.000 đồng. Riêng trong ngày này, anh đã được hưởng số tiền lên đến 600.000 đồng từ các đối tượng lừa đảo.
Ngay sau đó, anh Trí được giới thiệu qua làm nhiệm vụ chất lượng cao để trở thành nhân viên chính thức của công ty, lương cơ bản từ 300.000 đồng được nâng lên 400.000 đồng/ngày. Theo giới thiệu, nhiệm vụ chất lượng cao nhằm tăng lượng tương tác và lượng giao dịch cho thương hiệu thời trang trực tuyến Sendo, đồng thời, giúp các thành viên tham gia hưởng lợi từ phần trăm hoa hồng nhiệm vụ.
Nhiệm vụ chất lượng cao sẽ có 5 mức nạp tiền gồm: Mức 1 nạp tiền 450.000 đồng nhận hoa hồng 135.000 đồng; mức 2 nạp tiền 980.000 đồng, hoa hồng 294.000 đồng; mức 3 nạp tiền 1.360.000 đồng, hoa hồng 408.000 đồng; mức 4 nạp tiền 2.300.000 đồng, hoa hồng 690.000 đồng; mức 5 nạp tiền 3.600.000 đồng, hoa hồng 1.080.000 đồng. Chủ nhóm còn cam kết, mỗi thành viên cần thực hiện một mức nhiệm vụ báo lên nhóm, sau khi hoàn thành bộ phận tài vụ sẽ thanh toán tiền gốc và hoa hồng trong vòng 5 – 10 phút.
Để tạo lòng tin cho người tham gia, chủ nhóm còn đưa ra các bản cam kết giả mạo Công ty Sen Đỏ. Cụ thể, bản cam kết này bên A là Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ, có địa chỉ của chính công ty này ở quận 7, TP.HCM, đi kèm là mã số doanh nghiệp. Bên B là tên những người tham gia nhận nhiệm vụ chất lượng cao và đi kèm là số tiền đã nộp cho các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, bản cam kết có các nội dung như: Bên A sẽ chịu trách nhiệm tương ứng đối với các tổn thất do bên B đạt được trên cơ sở hệ thống dữ liệu; Trong trường hợp xảy ra tổn thất, bên A có trách nhiệm thanh toán cho bên B trong vòng 2 giờ; Thoả thuận bồi thường phải được hoàn thành theo đúng quy định, các hoạt động tự ý thao tác sẽ bị cấm và sẽ huỷ bỏ thoả thuận bồi thường cho người vi phạm. Cuối bản cam kết ghi bộ phận tài vụ SENDO, kèm dấu đỏ, ký tên Trần Hải Linh.
Do trình bày với chủ nhóm là không có tiền nên anh Trí chỉ muốn làm nhiệm vụ phổ thông, nhưng người này cho biết không đăng ký thì sẽ không được làm tiếp. Sau đó, thấy anh không chuyển tiền đã đẩy anh ra khỏi nhóm. Đáng chú ý trong nhóm có rất nhiều tài khoản khoe đã chuyển tiền và ký giấy cam kết. Theo anh Trí, đây có thể là “chim mồi”, vì thực tế nhóm gần 200 thành viên nhưng chỉ có 4-5 người online. Tuy nhiên, anh thấy có nhiều người cả tin đã đăng ký tham gia gói chất lượng cao, nên phản ánh đến báo VietNamNet để cảnh báo mọi người, bởi đây là hình thức lừa đảo.
Theo tìm hiểu của PV, nhóm trên telegram được quản lý rất chặt chẽ, nếu không được gọi điện mời và thực hiện theo quy trình sẽ không được duyệt vào, khác với các nhóm lừa đảo trước đây, khi ai muốn vào tham gia cũng được.
Trả lời VietNamNet, bà Nguyễn Yến Chi, Chánh Văn phòng Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ khẳng định, bản cam kết mà các đối tượng lừa đảo đưa ra ở trên là hoàn toàn giả mạo, công ty chưa bao giờ đưa ra hình thức mời gọi cộng tác viên làm việc thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ như trên, đây là hành vi lừa đảo.
Lừa đảo tuyển cộng tác viên online với “việc nhẹ lương cao” là một trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được Bộ TT&TT đưa ra cảnh báo đến người dân trong thời gian vừa qua. Bộ Công an cũng liên tục đưa ra các cảnh báo về hình thức lừa đảo này, đồng thời tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác. Thế nhưng, hình thức lừa đảo này vẫn liên tục diễn ra trong thời gian qua. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều nạn nhân vẫn bị lừa, khi thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi.
Bạn đã từng gặp hoặc biết các trường hợp lừa đảo trực tuyến, xin gửi thông tin phản ánh tới báo VietNamNet theo địa chỉ: banictnews@vietnamnet.vn. |
Gỡ bỏ thông tin bán thiết bị kích sóng trên các sàn Lazada, Shopee, Sen đỏ
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang bùng nổ, doanh nghiệp hưởng lợi lớn