Giá nguyên vật liệu leo thang, CPI quý 3 tăng 2,89%
Tính riêng tháng 9/2023, CPI tăng 1,08% so với tháng trước.
Sáng 29/9, Tổng Cục Thống kê báo cáo tình tình kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2023.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%, quý 3 tăng 5,33%).
Tính chung GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, cũng chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 9 tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%.
CPI bình quân quý 3/2023 tăng 2,89% so với quý 3/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Trong mức tăng 1,08% của CPI tháng 9 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 8,06%. Một nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông, với mức giảm 0,23%.
Theo Tổng Cục Thống kê, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 9 tăng 1,08%.
Chỉ số giá vàng tháng 9/2023 tăng 0,94% so với tháng trước còn chỉ số giá USD tăng 1,53%.