Giá vàng lập đỉnh mới, vàng nhẫn vượt 79 triệu đồng: Pha kéo mạnh có rủi ro?
Giá vàng thế giới tăng vọt, vượt qua đỉnh cũ hồi cuối tháng 8, rồi liên tiếp lập kỷ lục cao mới, có lúc lên trên 2.570 USD/ounce. Pha giật tăng mạnh, ngược với những kỳ vọng giảm trước đó liệu có tiềm ẩn một đợt điều chỉnh?
Lập kỷ lục mới, tăng 25% từ đầu năm
Trong phiên giao dịch 12/9 trên thị trường New York (rạng sáng 13/9 giờ Việt Nam), giá vàng thế giới bứt phá và nhanh chóng vượt qua kỷ lục cũ 2.531 USD/ounce (ngày 25/8). Tới gần cuối phiên, giá vàng giao ngay lên sát ngưỡng 2.560 USD/ounce (tương đương 77 triệu đồng/lượng).
Trong phiên ngày 13/9 trên thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục lập kỷ lục cao mới, đạt 2.572 USD/ounce vào gần cuối giờ chiều (giờ Việt Nam), tương đương 77,4 triệu đồng/lượng.
Trong nước, tính tới chiều 13/9 giá vàng miếng SJC được các ngân hàng lớn và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng như một số doanh nghiệp khác, giữ ở mức 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng thêm 500.000 đồng/lượng, ở nhiều nơi vượt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng, xác lập kỷ lục cao mới. Vàng nhẫn 24k diễn biến khá sát với giá vàng thế giới và tăng khoảng 25% kể từ đầu năm tới nay.
Có thể thấy, giá vàng thế giới liên tục đi lên và tăng gần 24,7% so với đầu năm (tương đương mức tăng thêm 509 USD/ounce). Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 77,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,1 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 13/9.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh và vượt xa so với mức dự báo 2.500 USD/ounce của nhiều tổ chức lớn và cũng tiệm cận mức 2.600 USD/ounce.
Cú bứt phá diễn ra khá bất ngờ đối với một số nhà đầu tư trong bối cảnh một số dự báo trong tuần trước đó cho rằng vàng có thể chịu áp lực chốt lời trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh trong cuộc họp ngày 18/9. Khả năng Fed chỉ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm (thay vì cắt 0,5 điểm phần trăm) xuống mức 5-5,25%/năm.
Nhìn vào biểu đồ biến động có thể thấy, giá vàng tăng dựng đứng trong phiên 12/9. Nó cho thấy nhiều khả năng đã có một làn sóng đóng vị thế đánh cược giá vàng đi xuống (bán khống - short) và quay đầu mua trả hàng. Cùng với đó, có thể xuất hiện những lệnh đánh theo xu thế lên.
Cú giật lên mạnh mẽ và liên tiếp lập đỉnh cao kỷ lục mới cũng khiến giá vàng tiềm ẩn rủi ro quay đầu giảm cho dù về dài hạn mặt hàng này được dự báo vẫn trong xu hướng tăng, có thể lên 2.700 USD/ounce, thậm chí 3.000 USD/ounce trong năm 2025.
Liệu có một đợt điều chỉnh mạnh?
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD giảm khá nhanh. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, rớt về mức 101 điểm, giảm so với 101,8 điểm hôm 12/9, 103 điểm hồi giữa tháng 8 và 106,25 điểm hồi cuối tháng 4.
Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh sau mỗi đợt tăng giá mạnh là khá lớn. Đây là điều thường thấy đối với vàng trong khoảng một năm qua. Dù xu hướng tăng giá (uptrend) từ cuối năm 2023 tới nay rất rõ. Nhưng biểu đồ đi lên không phải là một đường thẳng. Sau một cú lập đỉnh cao, giá vàng thường có một đợt điều chỉnh giảm.
Vậy sau đợt tăng vọt lập đỉnh cao lịch sử mới lần này, vàng liệu có điều chỉnh giảm hay tiếp tục tăng giá, và nếu điều chỉnh thì vàng có thể sẽ xuống bao nhiêu?
Trên trang Kitco, chuyên gia kinh tế David Oxley đến từ Capital Economics đưa ra một dự báo khá sốc cho rằng, vàng nằm trong xu hướng tăng dài hạn và sẽ lên 2.750 USD/ounce trong năm 2025. Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý sẽ đối mặt với một đợt bán tháo trước khi kết thúc năm 2024, có thể xuống ngưỡng 2.200 USD/ounce (tương đương 66 triệu đồng/lượng). Nếu theo dự báo này, mức giảm sẽ là khoảng 14% (tính theo đỉnh mới vừa thiết lập).
David Oxley đưa ra dự báo trước ngày 13/9 giá vàng vọt lên đỉnh cao mới 2.572 USD/ounce. Một đợt điều chỉnh cũng là dự báo của nhiều chuyên gia trong bối cảnh vàng liên tục lập đỉnh cao mới kể từ đầu năm tới nay.
Một số chuyên gia cho rằng, vàng có thể kiểm thử lại ngưỡng 2.520 USD/ounce sau khi lập đỉnh cao kỷ lục 2.572 USD/ounce hôm 13/9. Khi giá về ngưỡng 2.520 USD/ounce, nhiều khả năng sẽ xuất hiện thêm áp lực chốt lời từ những nhà đầu tư mua vàng ở mức trên 2.500 USD/ounce. Một sự cộng hưởng hoàn toàn có thể đẩy giá vàng xuống sâu dưới ngưỡng 2.500 USD/ounce.
Dù vậy, đa số các tổ chức dự báo triển vọng vàng rất tích cực trong dài hạn, với mục tiêu 2.700 USD và thậm chí 3.000 USD/ounce trong năm tới. Do vậy, đây được xem là yếu tố có thể khiến cầu bắt đáy tăng vọt mỗi khi vàng giảm nhanh, về dưới ngưỡng 2.400 USD/ounce như trong khoảng 5 tháng qua.
Trên thực tế, trong hơn một tháng qua, mỗi khi vàng xuống dưới ngưỡng 2.480 USD/ounce, áp lực chốt lời giảm mạnh và qua đó kéo vàng trở lại lên trên 2.500 USD/ounce.
Xét về các kênh đầu tư, dòng tiền gần đây có xu hướng đổ mạnh trở lại vào vàng, chứng khoán Mỹ, Bitcoin… trong bối cảnh áp lực giảm đè nặng lên đồng USD. Thông tin lạm phát trong tháng 8 của Mỹ chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% ghi nhận trong tháng trước đó và mức 9,1% hồi giữa năm 2022 (và đang hướng về ngưỡng mục tiêu 2%). Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ năm 2021 và mở đường cho đợt hạ lãi suất nhanh hơn và mạnh của Fed.
Khả năng Fed đẩy nhanh quá trình giảm lãi suất được đánh giá cao hơn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 12/9 tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, từ mức 3,75%/năm xuống 3,5% sau khi đã giảm mức tương tự vào hôm 6/6.
Trong bối cảnh nhiều nước lớn đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ, tiền sẽ được bơm nhiều hơn ra thị trường và đây là một môi trường rất tốt cho vàng. Một số chuyên gia tin rằng, mặt hàng kim loại quý không những không điều chỉnh giảm, mà thậm chí còn tiếp tục đi lên và đạt 2.600 USD/ounce trong ngắn hạn nhờ đà tăng của dòng tiền đổ vào kênh đầu tư này.