Giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (14/12) có thể giảm theo thế giới. Nếu không sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng có khả năng giảm 720-850 đồng/lít, giá dầu diesel hạ 700 đồng/lít.
Ngày mai (14/12) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá dầu đã trải qua 7 tuần giảm liên tiếp. Hiện giá dầu Brent xuống mức 73 USD/thùng, giá dầu WTI về mức 68 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 12/12, giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất trong 6 tháng do lo ngại về tình trạng dư cung và sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng bất ngờ.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này có xu hướng giảm so với kỳ trước, mức điều chỉnh tương đối lớn.
Nhận định về giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai (14/12), lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá xăng dầu trong nước có khả năng giảm theo giá thế giới.
Theo dự báo, ở kỳ điều chỉnh ngày mai, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể giảm 720-850 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel có khả năng giảm 700 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ BOG thì giá xăng có thể giảm ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng RON 95 trong nước sẽ có phiên điều chỉnh giảm thứ 5 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 35 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 12 lần giảm, 4 lần giữ nguyên và 1 lần trái chiều.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 7/12), giá bán lẻ các loại xăng dầu đều được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 500 đồng/lít, giá bán là 21.290 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 670 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.320 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 470 đồng/lít, xuống mức 19.720 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 190 đồng/lít, giá bán lẻ còn 20.920 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ tiếp tục ngừng trích lập Quỹ BOG và cũng không chi Quỹ với tất cả mặt hàng xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, tổng số trích Quỹ BOG trong quý III/2023 (từ ngày 1/7-30/9) là 13,92 tỷ đồng. Còn số chi quỹ là 387,94 tỷ đồng.
Số dư Quỹ BOG đến hết ngày 30/9 là 7.058,55 tỷ đồng, trong khi số dư quỹ đến hết ngày 30/6 là 7.429,33 tỷ đồng.
Liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương (Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Khoa học và công nghệ,... ) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Việc này nhằm nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của tất cả cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương.