Giải bài toán 'chia ca để ngủ' ở TPHCM: Nhà đầu tư tìm đến nhưng đành bỏ đi
Bí thư quận 1 Dương Anh Đức cho rằng, thay đổi tình cảnh người dân chia ca để ngủ là “bài toán thế kỷ”. Nhiều nhà đầu tư tìm đến nhưng không thể làm được dự án, dù chính quyền hỗ trợ hết mình.
Quận 1 được xem là quận trung tâm sầm uất và giàu có bậc nhất TPHCM. Thế nhưng, ít ai biết nơi đây vẫn còn những người dân sống trong các căn nhà vài mét vuông, phải chia ca để ngủ, giặt giũ nhờ, đi ké vệ sinh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần có giải pháp đặc biệt giải quyết một cách dứt khoát, không thể để người dân phải chịu đựng tình trạng này dài hơn nữa.
VietNamNet ghi nhận cảnh sống chật chội, bức bí của người dân cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ khi thành phố có quyết tâm chỉnh trang đô thị.
Trao đổi với VietNamNet về tình cảnh của người dân phải chia ca để ngủ, ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1, TPHCM cho biết, nếu ai chưa từng tới các khu nhà này trong mùa dịch, khó mà tưởng tượng được cảnh khổ cực đến thế nào. Có thể dùng từ “khủng khiếp” khi nhìn thấy cảnh sống ấy cũng không sai.
“Ai cũng nghĩ quận 1 là quận nhà giàu, vì là khu trung tâm của TPHCM. Nhưng ít ai biết rằng, vẫn còn những cảnh sống khốn khổ khi phải chia ca để ngủ, để ăn, tắm, đi vệ sinh… vì nhà ở quá mức chật chội”, ông Đức nói.
Ông liệt kê, ở trung tâm quận 1 còn những khu vực như khu chợ Gà - chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh), khu Mả Lạng (hay còn gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh), khu Mã Lộ (phường Tân Định)… có nhiều hộ dân sống trong tình cảnh như thế.
Theo ông Đức, các cấp từ quận đến thành phố đều quan tâm, tìm lời giải thay đổi cuộc sống của bà con, chỉnh trang đô thị tại những khu vực này. Nhưng thực tế là rất khó, vì vướng nhiều ràng buộc từ các quy chế, quy định hiện hành.
Bí thư quận 1 cũng cho biết, trước đây, nhiều nhà đầu tư tìm đến nhưng cũng đành bỏ đi vì không thể làm được dự án, dù chính quyền từ quận đến thành phố hỗ trợ hết mình.
“Có thể nói, đây là bài toán thế kỷ, tìm lời giải cho bài toán này không phải một sớm, một chiều”, Bí thư quận 1 bày tỏ.
Quận 1 đang mời một số chuyên gia, nhà đầu tư đến góp ý. Về phía địa phương, quận cũng đang nghiên cứu và so sánh các quy chế, quy định hiện hành của pháp luật, để nếu triển khai phải xin thêm cơ chế đặc biệt gì, điều kiện gì tối thiểu nhất để chỉnh trang hay làm dự án.
"Có một số nhà đầu tư (thực tế là những nhà đầu tư hảo tâm - NV) sẵn sàng và chấp nhận làm dự án hòa vốn. Tuy nhiên, cũng cần xem họ bàn thế nào, yêu cầu tối thiểu là gì, để từ đó xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy", ông Đức nói.
Chỉnh trang với tinh thần 100% không vụ lợi
Ông Đức thông tin, các cấp chính quyền của quận từng tính toán đến 2 phương án di dời hay tái định cư tại chỗ cho những cụm dân cư này.
Nhưng nguyên tắc tái định cư tại chỗ rất khó thực thi, vì có hộ diện tích chưa đến 10m2, nhưng căn hộ chung cư nhà ở xã hội 30-40m2, người dân không có điều kiện để bù tiền, nhà đầu tư không kham nổi nếu tài trợ.
Thêm vào đó, di dời người dân đi nơi khác cũng làm mất cơ hội mưu sinh, khi họ đã gắn bó hàng thập kỷ ở những nơi này. Điều đáng nói, ở những khu dân cư này có hộ có sổ hồng, có hộ không.
“Chính quyền các cấp đang tính toán, làm sao triển khai dự án với chi phí tối thiểu, nhưng lợi ích tối đa, phải nói là rất mâu thuẫn, rất khó. Nhưng phải làm để thay đổi cuộc sống của người dân”, ông Dương Anh Đức khẳng định và cho biết, trước mắt phải đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho bà con.
Ông Đức cũng cho rằng, chỉnh trang các khu vực phải tìm cơ chế đặc biệt để triển khai. Quận sẽ tự tìm lời giải, xin ý kiến cấp trên để làm theo lời giải đó.
“Chỉnh trang đô thị các khu vực này với tinh thần 100% không vụ lợi. Nhà đầu tư vào đây để tính toán, để 'lươn lẹo' thì không thể làm được”, ông Đức nói rõ.
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy mở rộng ngày 14/6, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, cần có giải pháp đặc biệt giải quyết dứt khoát, không để người dân phải chịu đựng tình trạng này dài hơn.
Theo ông, để chỉnh trang hay triển khai dự án với những khu vực này phải tìm cơ chế đặc thù, cho hoàn cảnh đặc thù. Địa phương phải làm, nếu cần thì báo cáo cấp trên để có sự chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
>> Người dân TP. HCM có nhà ở ven kênh bị di dời sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội?
Tỉnh là đô thị vệ tinh của TP. HCM: Bất ngờ đứng đầu vùng ĐBSCL về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa
Người dân TP. HCM có nhà ở ven kênh bị di dời sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội?