Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt mức kỷ lục, với 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính đến 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 5,15%, giảm 25,2% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn điều chỉnh đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tính tới 20/12/2022, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
“Tuy không phải là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ, song đây là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đại dịch”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
22,4 tỷ USD là con số kỷ lục, xét về vốn giải ngân, bởi năm 2019 là năm có vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ở mức cao, nhưng cũng chỉ đạt 20,38 tỷ USD. Hai năm vướng đại dịch, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chậm lại, chỉ đạt tương ứng 19,98 tỷ USD và 19,74 tỷ USD. Nhưng năm nay, con số này đã vọt lên 22,4 tỷ USD, cao hơn cả thời điểm trước dịch. Điều này có nghĩa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang bước nhanh đến sự phục hồi.
Dịch bệnh được kiểm soát, nhịp sống kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường thì cũng chính là lúc các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh được đẩy mạnh. Đó chính là lý do thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được xây dựng và hoàn thành.
Mới nhất là Dự án Trung tâm R&D, trị giá 220 triệu USD của Samsung Việt Nam. Tham dự Lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồ hởi nói rằng, việc Samsung khánh thành Dự án đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm, là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển tại Việt Nam; đồng thời là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao.
Cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng cũng đã tham dự Lễ khánh thành Cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, vốn đầu tư lên tới hơn 5 tỷ USD.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc SCG, chủ đầu tư của Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chia sẻ, vào giữa năm 2023, có thể vận hành thương mại tổng thể Dự án. Như vậy, sau nhiều thời gian chờ đợi, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã sắp “cán đích” và điều này chắc chắn “đóng góp” một ngân khoản không nhỏ trong số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm nay cũng như năm 2023 sắp tới.
Trong khi đó, LEGO vào đầu tháng 11/2022 cũng đã bắt đầu khởi công dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương.
Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn như: Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần, 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng vốn trên 841 triệu USD… Hay dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng, tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD… Hiện nay, một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến sẽ triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Khi các dự án được khởi công và đi vào hoạt động, số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng tốc đáng kể. Nhưng quan trọng hơn, điều đó có nghĩa, năng lực sản xuất của nền kinh tế được tăng cường, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần có thêm những động lực tăng trưởng để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Kiểm tra loạt chủ đầu tư dự án ở Đắk Nông
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Phải ưu tiên các dự án trọng tâm, trọng điểm