Giải pháp nào cho việc cải tạo khu tập thể cũ nguy hiểm nhất Hà Nội?
Một số khu tập thể cũ ở Hà Nội đã xập xệ, nằm trong danh sách công trình cấp độ D, khu nhà G6A Thành Công được đánh giá là khu nhà tập thể nguy hiểm nhất Hà Nội.
Khu tập thể Thành Công có khu nhà nguy hiểm nhất Hà Nội
Tập thể Thành Công Hà Nội được chia làm hai khu Bắc Thành Công và Nam Thành Công với tổng số 67 dãy nhà 5 tầng và 2 tầng. Đây là nơi tập trung của hàng ngàn hộ dân, nay đã không còn đủ an toàn để sinh sống. Khu vực kết nối trực tiếp với đường Thành Công, Nguyên Hồng, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ.
Trước đó, theo kế hoạch Hà Nội ban hành vào năm 2021, khu tập thể Thành Công là 1 trong 10 khu được lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trước quý IV/2022. Sau khi được phê duyệt, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng lại các khu chung cư này trong giai đoạn từ năm 2021-2025.
Khu nhà G6A tập thể Thành Công nằm trên mặt đường Nguyên Hồng được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Toàn bộ khu tập thể hiện xuống cấp trầm trọng, mức độ nguy hiểm báo động ở cấp độ D. Khu tập thể này cao 5 tầng với diện tích xây dựng hơn 500m2 với có 49 căn hộ.
Từ năm 2016 (sau khi có kết quả kiểm định đánh giá chất lượng các chung cư), UBND quận Ba Đình đã tổ chức di dời các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. UBND phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đã có thông báo gửi đến người dân và tiến hành việc quây rào tôn quanh khu tập thể G6A..
Về tình trạng chung của khu tập thể Thành Công, có thể dễ dàng bắt gặp những mảng tường bong tróc, thậm chí lộ phần cốt thép bên trong. Các "chuồng cọp" cũng được xây dựng tràn lan bởi chính người dân, dẫn tới nhiều nguy cơ khác.
Cảm nhận chung của nhiều người sống trong và quanh khu tập thể Thành Công là sự tối tăm, ẩm thấp và bao trùm bởi nỗi lo về việc dãy nhà có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Không chỉ vậy, mạng lưới dây điện chằng chịt như mạng nhện tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ ở đây.
>> Hà Nội lập quy hoạch chi tiết xây mới khu tập thể trên ‘đất vàng’ Kim Liên
Việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ Thành Công cũng đã được đề cập từ nhiều năm nay. Một trong những vướng mắc lớn nhất vẫn là về chính sách đền bù. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chưa đồng thuận chuyển đi là vì nơi tạm cư mới có chất lượng kém, vị trí quá xa so với nơi ở cũ nên ảnh hưởng tới sinh hoạt, làm việc và học tập của các gia đình.
Giải pháp được đưa ra để cải tạo khu tập thể Thành Công
Theo phương án đề ra, cụm các dãy nhà 5 tầng và 2 tầng của Khu tập thể Thành Công sẽ được cải tạo, xây mới trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó có việc lựa chọn nhà đầu tư và di dời cư dân, khiến cho quá trình này trở nên chậm trễ.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình phát biểu trong buổi đối thoại với cư dân vào tháng 2/2023: “Chính quyền muốn là trung gian giữa cư dân và chủ đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên. Theo quy định, nếu doanh nghiệp tham gia cải tạo, người dân có thể được hệ số bồi thường tối đa 2 lần, ví dụ người dân đang ở căn hộ 30m2, sau cải tạo có thể được căn hộ mới 60m2. Nếu người dân và nhà đầu tư không tìm được tiếng nói chung, Nhà nước phải đứng ra cải tạo thì hệ số bồi thường chỉ bằng 1, nghĩa là khi cải tạo xong căn hộ 30m2 chỉ được bồi thường đúng diện tích 30m2.
Hiện nay, quận đang đo đạc, khảo sát, xác định chỉ giới đường đỏ toàn bộ khu tập thể Thành Công. Các cơ quan cũng đang lập quy hoạch tổng mặt bằng và dự kiến trong tháng 2 trình Sở Quy hoạch Kiến trúc để Sở báo cáo thành phố. Nếu tháng 3 thành phố phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng thì khoảng tháng 4 thành phố sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư”.
Do đó, để sớm có thể “giải cứu” khu tập thể Thành Công cần tới sự quyết liệt của các ban ngành liên quan, sự chung tay của chủ đầu tư và cả sự chủ động trong di dời đến từ người dân đang sinh sống tại đây.
Khi mà hàng loạt các khu chung cư mới mọc lên, mang đến bộ mặt hiện đại cho TP. Hà Nội, thì các khu tập thể cũ và xuống cấp như khu tập thể Thành Công thực sự tạo ra vấn đề trong quy hoạch dài hạn. Mong rằng, trong thời gian sớm nhất, TP. Hà Nội sẽ sớm giải quyết được các nút thắt và tìm ra phương án cho Khu tập thể Thành Công nói riêng, cũng như nhiều khu tập thể xuống cấp khác trên địa bàn Thủ Đô.
>> Giá chung cư tăng vọt; Việt Nam lọt top 3 thế giới về tỷ lệ sở hữu nhà