Giảm hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng: Doanh nghiệp cần hình thành thói quen 'mới'
Theo Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, doanh nghiệp cần tiếp cận nhiều tổ chức tín dụng thay vì vài đơn vị như hiện tại.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là 1 trong 10 luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Luật sửa đổi quy định lộ trình 5 năm để các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với một khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung.
Cụ thể, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% trong 5 năm (đến 2029). Tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm dần từ 25% về 15% trong 5 năm (đến 2029).
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng chia sẻ “việc giảm giới hạn cấp tín dụng cũng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tránh doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng cần hình thành thói quen tiếp cận nhiều tổ chức tín dụng, thay vì chỉ một vài tổ chức tín dụng như hiện tại”.
Ngoài ra, theo ông Hùng, giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng hạn chế tình trạng tập trung vốn tín dụng vào một khách hàng hay nhóm khách hàng, khuyến khích đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro, tăng cường minh bạch.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, “quy định trên tác động lớn đến các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn về tiếp cận tín dụng”.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, quy định trên ảnh hưởng mạnh nhất tới các ngân hàng có dư nợ cao với nhóm khách hàng lớn. Các ngân hàng sẽ phải giảm dư nợ cho vay với các đối tượng này và tìm kiếm các khách hàng khác để bù đắp.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Tổng giám đốc Vietcombank ông Tùng chia sẻ: “Với các ngân hàng lớn kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản…, nên có cơ chế đặc thù để ngân hàng có thể cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế, cụ thể là cho các tập đoàn, tổng công ty lớn”.
Đối với MBBank, lãnh đạo MB cho hay, giai đoạn trước, MB áp dụng tỷ lệ cho vay tối đa với một khách hàng là 10%, nhóm khách hàng là 20% (dù luật cho phép 15% và 25%) để quản trị rủi ro.
Với các dự án lớn, MB chọn hình thức đồng tài trợ, thu xếp nguồn vốn quốc tế để chia sẻ rủi ro. Vì vậy, quy định mới sẽ không tác động quá lớn đến MB.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế thừa nhận, quy định trên sẽ khiến việc tiếp cận vốn với một số doanh nghiệp lớn, có nhu cầu vốn cao gặp khó khăn nhất định. Chính phủ cần có giải pháp phát triển mạnh hơn các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào tín dụng.
>> Thống đốc lo ngại hệ lụy 'khôn lường' nếu xóa bỏ công cụ hạn mức tín dụng
Chứng khoán Tiên Phong (ORS) dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 14%
Việt Nam nhập siêu lần đầu tiên sau gần 2 năm ở mức 1 tỷ USD, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng về đích