Giảm thuế GTGT góp phần giảm giá hàng hóa, giảm trực tiếp chi phí của người dân
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế GTGT 2% trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đánh giá tác động của chính sách tới thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng (Trên cơ sở số giảm thu NSNN ở khâu nội địa tính cho giai đoạn từ ngày 01/7/2023 đến 31/12/2023, bình quân mỗi tháng giảm khoảng 2.550 tỷ đồng, dự báo tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng thu: Giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng thu NSNN năm 2024 khoảng 5-7% thì mức giảm thu ở khâu nội địa bình quân 01 tháng trong năm 2024 dự kiến là 2.700 tỷ đồng (bằng 2.550 x 106%), mức giảm thu bình quân 01 tháng ở khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn, đảm bảo tỷ lệ tăng thu NSNN theo dự toán đã được Quốc hội thông qua cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ:
+ Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế;
+ Quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh khai thác tăng số thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh theo chuỗi, tài nguyên, khoáng sản...; tăng cường quản lý thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra; quản lý chặt chẽ sử dụng hóa đơn điện tử; hoàn thuế; đẩy mạnh triển khai công tác quản lý nợ thuế; theo dõi sát sao tiến độ thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, các khoản thuế được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời các khoản tiền thuế đã hết thời gian gia hạn vào ngân sách;
+ Kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, đảm bảo nguồn lực đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
+ Trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.
Góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế trong năm 2024
Đánh giá tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Đối với người dân: Đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp: Việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chính sách góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao thời gian qua
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Thu thuế GTGT nội địa tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, ngay từ tháng đầu tiên sau khi áp dụng chính sách (tháng 7/2023), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 tăng 1,1% so với tháng 6/2023 (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước); tháng 8/2023 tăng 0,9% so với tháng 7/2023 (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước) và tháng 9 tăng 2,4% so với tháng 8/2023 (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù, tính chung trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn quý II/2023 và quý I/2023 tuy nhiên về giá trị tuyệt đối thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2023 (khoảng 1.550,2 nghìn tỷ đồng) cao hơn quý II/2023 (khoảng 1.520,2 nghìn tỷ đồng), quý I/2023 (khoảng 1.505,3 nghìn tỷ đồng) và đều cao hơn cùng kỳ năm 2022.
Đề xuất bỏ chính sách miễn thuế GTGT đối với hàng giá trị nhỏ nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh
Thay đổi chính sách thuế VAT: ‘Ván bài’ tăng trưởng mới cho ngành phân bón Việt Nam