Giận sếp, mượn xe vượt 15 đèn đỏ 'trả đũa': Ai mới là người phải nhận án phạt?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, người bị xử phạt có thể là chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện.
Tính đến nay đã 15 ngày kể từ khi Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ và Nghị định 168/2024 về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, các mức xử phạt cùng những câu chuyện xoay quanh quy định mới này vẫn là đề tài thu hút sự chú ý.
Tình huống trớ trêu được cộng đồng mạng đưa ra bàn luận. Ảnh: Chụp màn hình |
Đáng chú ý, một tình huống đang lan truyền trên mạng xã hội: Người phụ nữ mượn xe của sếp hoặc chồng, sau đó vượt 15 đèn đỏ vì giận dữ. Dẫu biết đây chỉ là một câu chuyện mang tính chất đùa vui, tình huống này cũng đặt ra vấn đề pháp lý đáng quan tâm.
Câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm xử phạt? Chủ xe hay người điều khiển xe, và liệu có bị xử phạt tới 15 lần? Liên quan đến tranh luận, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư Tp.HCM đã đưa ra những góc nhìn dưới góc nhìn pháp lý.
Trường hợp phát hiện vi phạm qua hình thức “phạt nguội”
Theo khoản 8 Điều 47 Nghị định số 168/2024, nếu vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật mà không xử lý ngay tại thời điểm vi phạm, quy trình xử lý được thực hiện như sau:
Cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và các cá nhân, tổ chức liên quan (nếu có) đến trụ sở để làm việc. Thông báo có thể thực hiện qua văn bản hoặc phương thức điện tử thông qua ứng dụng giao thông.
Chủ phương tiện có nghĩa vụ hợp tác để xác định người điều khiển xe vi phạm.
Nếu chủ phương tiện không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người điều khiển phương tiện, chủ xe sẽ bị xử phạt.
Trường hợp chủ xe chứng minh được người mượn xe là người vi phạm, thì người mượn xe sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, nếu chủ xe biết rõ người điều khiển xe chưa đủ điều kiện (chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe...) nhưng vẫn giao xe, chủ xe cũng sẽ bị xử phạt.
>> Tài xế, doanh nghiệp vận tải nói gì trước quy định không được lái xe quá 48 giờ/tuần?
Ảnh minh hoạ |
Trường hợp xử phạt vi phạm trực tiếp
Khoản 8, khoản 9 Điều 2 Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ năm 2024 quy định người điều khiển phương tiện giao thông gồm: người lái xe cơ giới, xe thô sơ, và xe máy chuyên dùng.
Điểm c khoản 7, điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024 quy định: Người điều khiển xe vi phạm tín hiệu đèn giao thông sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.
Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện là vợ hoặc chồng của chủ xe, người điều khiển xe sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp, không phải chủ xe.
Như vậy, đối với hành vi vượt đèn đỏ bị phát hiện và xử phạt trực tiếp, người điều khiển xe là chủ thể chịu trách nhiệm. Trong trường hợp “phạt nguội,” chủ xe cần hợp tác xác minh. Nếu không thể chứng minh hoặc không hợp tác, chủ xe sẽ bị xử phạt.
>> Xót xa chủ vườn cúc Tết ở Bình Định mất trắng hơn 100 triệu chỉ sau 2 ngày
Từ năm nay, vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cấp cứu có bị phạt không?
Chi tiết mức phạt vượt đèn đỏ, đèn vàng với ô tô, xe máy mới nhất 2025