Giao hàng tiết kiệm - đơn vị đang 'vỡ trận' trong những ngày cận Tết kinh doanh ra sao?

30-01-2024 20:48|Yên Hoàng

Giao hàng tiết kiệm từng lên kế hoạch IPO với định giá lên tới 1 tỷ USD.

Chiều 29/1, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc nhân viên Giao hàng tiết kiệm (GHTK) tiến hành đình công, không nhận chuyển phát hàng hóa cho khách hàng.

Trước thông tin đó, đại diện truyền thông của GHTK chia sẻ, trong 2 tuần giáp Tết, lượng hàng thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Vì vậy, Giao hàng tiết kiệm buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành.

Ông chủ đứng sau Giao hàng tiết kiệm là ai mà có thể khiến đơn vị "vỡ trận" khi ngày càng có nhiều các đối thủ vận chuyển xuất hiện trên thị trường.

Nhà sáng lập Giao hàng tiết kiệm

Giao hàng tiết kiệm - đơn vị đang 'vỡ trận' trong những ngày cận Tết kinh doanh ra sao?
Ông Phạm Hồng Quân, nhà sáng lập và điều hành Giao hàng tiết kiệm

Giao hàng tiết kiệm được sáng lập và điều hành bởi ông Phạm Hồng Quân, quê quán tại Hà Tĩnh. Ông Quân tốt nghiệp trường Đại học Thủy lợi Hà Nội với tấm bằng Kỹ sư Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (Cấp thoát nước). Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại một sàn thương mại điện tử của VCCorp - Zamba (đã bị khai tử) với chức danh chuyên viên xây dựng sản phẩm cho sàn thương mại điện tử này. Trong thời gian làm ở đó, ông Quân nhận thấy dịch vụ chuyển phát thời điểm đó “khá tệ”, đó là lúc ông nảy ra ý định lập công ty giao nhận với chất lượng tốt hơn mặt bằng lúc ấy.

CTCP Giao hàng tiết kiệm tiền thân là CTCP Phát triển dịch vụ thương mại điện tử, thành lập năm 2013 tại Hà Nội, ban đầu hoạt động liên quan đến gửi hàng, giao nhận hàng hóa, đóng gói hàng hóa để vận chuyển. Hiện, GHTK hoạt đọng trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính và chuyển phát, là đơn vị vận chuyển dành cho thương mại điện tử (eLogistics); cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi (Last-Mile Delivery) và thu tiền tận nơi (Cash-on Delivery) cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trực tuyến.

Giao hàng tiết kiệm ban đầu có vốn điều lệ chỉ 500 triệu đồng, gồm 4 cổ đông góp vốn, trong đó ông Phạm Hồng quân góp 200 triệu đồng (tỷ lệ 40%), CTCP Đầu tư phát triển thương mại dịch vụ Hải Đăng góp 200 triệu đồng (tỷ lệ 40%); bà Tống Thị Ngọc Ánh góp 25 triệu đồng (tỷ lệ 5%) và bà Nguyễn Minh Nguyệt góp 75 triệu đồng (tỷ lệ 15%).

Tháng 9/2017 công ty cập nhật thông tin, vốn điều lệ đã tăng lên thành 12,9 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng thay đổi, trong đó, ông Phạm Hồng Quân nắm giữ 16,387% cổ phần; bà Nguyễn Nguyệt Minh nắm 5,156% cổ phần.

Đến tháng 6/2020, công ty tiếp tục biến đổi cơ cấu cổ đông khi Parcel Delivery Services (Singapore Pte.Ltd) sở hữu 42% vốn điều lệ của GHTK. Trong khi đó, báo cáo tài chính cả năm 2020 và 2021 của Kerry Logistics đều cho thấy tập đoàn chuyển phát có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) này nắm giữ gián tiếp 42% cổ phần của GHTK.

Trong một bài phỏng vấn với Forbes Việt Nam, ông Phạm Hồng Quân cho biết, Giao hàng tiết kiệm sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển. Cổ đông ngoại sẽ không nắm giữ quá 49% cổ phần, cũng như chỉ đóng vai trò là đối tác chính.

Tháng 3/2022, theo Tech in Asia đưa tin, Giao hàng tiết kiệm lên kế hoạch IPO trong năm 2022 với định giá lên đến 1 tỷ USD.

Bức tranh tài chính 'sáng chói'

Kể từ khi về với Sea, Tập đoàn mẹ của Shopee, doanh thu của Giao hàng tiết kiệm đã tăng đáng kể nhờ những đơn hàng đến từ phía sàn thương mại điện tử này. Chiến lược của Giao hàng tiết kiệm là sẽ tập trung vào đơn hàng của các đơn vị bán hàng vừa và nhỏ thay vì phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử.

Năm 2019, Giao hàng tiết kiệm đạt 4.621 tỷ đồng doanh thu, mang về lợi nhuận 508 tỷ đồng. Sang năm 2020, mức doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ đạt 6.941 tỷ đồng nhưng lợi nhuận không có nhiều biến động, chỉ đạt 520 tỷ đồng. Trong năm 2021, doanh thu của đơn vị vận chuyển này ghi nhận 6.875 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 301 tỷ đồng.

Giao hàng tiết kiệm - đơn vị đang 'vỡ trận' trong những ngày cận Tết kinh doanh ra sao?
Tình hình kinh doanh của Giao hàng tiết kiệm. (Đơn vị: tỷ đồng)

Năm 2022, Giao hàng tiết kiệm mang về 8.600 đồng doanh thu, tăng 25% so với năm 2021 và gấp đến 25 lần so với cách đó 5 năm. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp này lãi 620 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2021 và gấp 34 lần so với năm 2017.

Đáng chú ý, công ty của ông Phạm Hồng Quân có vốn điều lệ 12,9 tỷ đồng - con số khá khiêm tốn nếu đặt trong bức tranh cùng doanh thu và lợi nhuận hàng năm của công ty.

Hiện, Giao hàng tiết kiệm đã có mặt tại 63 tỉnh thành với quy mô đạt hơn 20 trung tâm vận hành, số lượng xe tải đường bộ hơn 1.000 xe, tổng diện tích hạ tầng kho bãi trên 220.000m2. Số lượng nhân viên giao hàng của đơn vị này lên tới 30.000 người, ngoài ra, công ty còn có hơn 1.000 nhân sự khối cơ quan.

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, thị trường chuyển phát nhanh của Việt Nam đang cực kỳ cạnh tranh, được dự báo trị giá 2,19 tỷ USD vào năm 2027.

> > Giao hàng tiết kiệm chính thức lên tiếng về thông tin 'vỡ trận' đúng cao điểm Tết Nguyên đán

Shopee chiếm thế 'thượng phong' trên cuộc đua sàn thương mại điện tử, ​​​​​​​độ nhận diện gấp 3 lần Lazada

Shipper giao hàng ‘mỏi tay’ trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giao-hang-tiet-kiem-don-vi-dang-vo-tran-trong-nhung-ngay-can-tet-kinh-doanh-ra-sao-221803.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giao hàng tiết kiệm - đơn vị đang 'vỡ trận' trong những ngày cận Tết kinh doanh ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH