GIC: Từ những khoản đầu tư hàng triệu USD vào Việt Nam tới cổ đông ngoại lớn nhất của Vinhomes (VHM)
Sau 1 thập kỷ đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, GIC đang nắm giữ vai trò quan trọng tại nhiều đơn vị lớn như Masan, Vietjet, Vinhomes, Vietcombank.
Trước Vinhomes, GIC đã đầu tư vào những doanh nghiệp nào ở Việt Nam?
Được thành lập vào năm 1981, GIC (Government of Singapore Investment Corporation) là quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, chuyên quản lý quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của GIC ở Đông Nam Á, nơi quỹ này đã thực hiện nhiều khoản đầu tư chiến lược từ rất sớm.
Trước khi xuất hiện với vai trò cổ đông lớn tại Vinhomes, GIC đã đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam.
Quỹ ngoại Singapore GIC |
Năm 2014, GIC đã mua 1,9 triệu cổ phiếu PAN, tương đương 4,7% vốn điều lệ sau khi phát hành. Cùng năm, quỹ đầu tư chính phủ Singapore mua 16,3 triệu cổ phiếu của FPT.
Tháng 3/2015, CTCP VNG chính thức trở thành startup "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị 1 tỷ USD sau khoản đầu tư của GIC.
Năm 2016, GIC thông báo sẽ mua 7,73% cổ phần của Ngân hàng Vietcombank. Đây được xem là một trong những thương vụ đầu tư đáng chú ý, bởi Vietcombank không chỉ là ngân hàng lớn nhất Việt Nam về giá trị vốn hóa mà còn có hiệu suất hoạt động vượt trội so với ngành.
Cũng trong năm này, GIC đã mua vào 27,63 triệu cổ phiếu MSN, qua đó nâng số lượng sở hữu từ 10,27 triệu đơn vị (1,38%) lên 37,9 triệu đơn vị (5,08%). Tạm tính theo giá thị trường thời điểm ấy, GIC đã bỏ ra khoảng 1.912 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Masan.
Cuối năm 2016, GIC cùng 29 tổ chức quốc tế khác tranh mua 44,8 triệu cổ phiếu VJC với mức giá bình quân là 84.400 đồng/cp. Ước tính, GIC đã chi hơn 1.386 tỷ đồng để đầu tư vào hãng hàng không Vietjet.
Bên cạnh những thành công, GIC cũng từng thiệt hại khi đầu tư vào CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) với số vốn hơn 200 tỷ đồng vào năm 2014. Sự soán ngôi của dịch vụ gọi xe công nghệ khiến các hãng taxi truyền thống như Vinasun gặp khó khăn nghiêm trọng. Năm 2018, GIC phải bán toàn bộ 7,96% vốn tại hãng taxi này và ghi nhận khoản lỗ khoảng 140 tỷ đồng.
Mối lương duyên giữa Vinhomes và GIC
Đầu tháng 5/2018, quỹ đầu tư GIC Private Limited chính thức thông báo đã mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% và trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20/4/2018 (cổ phiếu VHM niêm yết vào ngày 17/5/2018).
Theo đó, GIC đầu tư 1,3 tỷ USD dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp công cụ nợ (như khoản cho vay) cho Vinhomes để thực hiện các dự án bất động sản.
Vinhomes Royal City - Dự án nổi bật của doanh nghiệp trước khi niêm yết (Nguồn: VHM) |
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu Báo cáo M&A 2017 - 2018, GIC đầu tư vào Vinhomes chính là thương vụ M&A điển hình trong lĩnh vực bất động sản. Vụ bắt tay M&A này cùng nhiều vụ khác của các doanh nghiệp bất động sản với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng đã góp phần ổn định tình hình thị trường.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng với hàng loạt tên tuổi đang hoạt động, việc không ngần ngại rót cả tỷ USD đầu tư vào Vinhomes cho thấy niềm tin của GIC về hoạt động kinh doanh của Vinhomes cũng như khẳng định uy tín của Tập đoàn Vingroup cùng các công ty thành viên trên thị trường quốc tế.
Theo Công ty TNHH CBRE Việt Nam, Vinhomes là thương hiệu bất động sản nhà ở hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 15% tính trên tổng số lượng căn hộ đã bán tại 2 thị trường TP. HCM và Hà Nội trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017.
Ngoài Vinhomes, GIC cũng đã dẫn đầu một nhóm đầu tư để mua 6% cổ phần của VCM, công ty con khác của Vingroup chuyên về thương mại điện tử và bán lẻ, với giá 500 triệu USD vào năm 2019.
GIC cũng đã mua một khoản cổ phần trong Vinmec, đơn vị y tế của Vingroup, với giá trên 200 triệu USD vào tháng 12/2020. Quỹ ngoại cho biết họ tin tưởng vào tiềm năng của Vinmec trong việc cung cấp chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân Việt Nam.
GIC đầu tư hơn 200 triệu USD vào Vinmec năm 2020 (Nguồn: Vinmec.com) |
Khẩu vị đầu tư của GIC thay đổi ra sao sau 1 thập kỷ?
Ở thời điểm hiện tại, GIC vẫn duy trì vai trò là một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam. Danh mục đầu tư của GIC bao gồm các doanh nghiệp đầu ngành như Vietcombank, Vinhomes, Masan Group, Vietjet,....
Đối với Vietcombank, GIC đang là cổ đông lớn thứ 3 với tỷ lệ sở hữu 2,55% (94,4 triệu đơn vị). Được biết, Vietcombank đang chuẩn bị phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho cổ đông chiến lược Mizuho và một số cổ đông khác, dự kiến hoàn tất trong quý I/2025.
Trước đó, vào tháng 1/2019, ngân hàng này đã phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (tương ứng 2,55% vốn) cho GIC. Như vậy, nhiều khả năng quỹ ngoại Singapore sẽ có mặt trong danh sách phát hành tới đây.
Tại Vinhomes, GIC vẫn giữ vai trò cổ đông ngoại lớn nhất với tỷ lệ sở hữu đạt 4,99%, và là cổ đông lớn thứ 2 chỉ sau Vingroup (69,34%).
Quỹ ngoại Singapore cũng là cổ đông ngoại lớn nhất của hãng hàng không Vietjet khi nắm giữ 4,82% vốn (26,1 triệu đơn vị) và là cổ đông lớn 4 của doanh nghiệp.
GIC đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vietjet (Nguồn: VJC) |
Đối với Masan Group, tại thời điểm giữa năm 2020, quỹ đầu tư đã từng sở hữu đến 13,03% vốn của Masan (khoảng 152,3 triệu đơn vị) sau khi chi ra hàng trăm triệu USD để mua gom. Tuy nhiên, ngay thời điểm cuối năm 2020, đơn vị này đã bắt đầu thoái vốn khỏi công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Tới ngày 19/3/2024, GIC đã bán 545.800 cổ phiếu MSN, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,98% (71,2 triệu đơn vị) và không còn là cổ đông lớn. Ở thời điểm hiện tại, GIC chỉ còn sở hữu hơn 31,6 triệu đơn vị, tương ứng 2,21% vốn của Masan.
Ở PAN Group, GIC hiện chỉ còn sở hữu 2,56% (5,5 triệu đơn vị) do tỷ lệ bị giảm sau nhiều lần doanh nghiệp tăng vốn.
Cuối tháng 8/2023, VNG Limited thông báo đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Tại hồ sơ này, VNG lần đầu hé lộ cơ cấu cổ đông hiện hữu, trong đó GIC thông qua Gamvest Pte nắm giữ 15,2 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 5,4% quyền biểu quyết.
Cổ phiếu phiếu lưu hành của VNG Limited chia làm 2 loại, gồm cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Với 1 cổ phiếu loại A, người nắm giữ sẽ có 1 quyền biểu quyết. Trong khi, 1 cổ phiếu loại B sẽ có 10 quyền biểu quyết. Cổ phiếu loại A không có quyền quy đổi thành loại B và ngược lại.
Liên quan tới đầu tư, giữa tháng 9/2024, GIC mong muốn mở rộng các khoản đầu tư về hạ tầng của mình với Viettel. Ông Ang Eng Seng - Giám đốc CNTT GIC Infrastructure nhận định Viettel là nhà phát triển mạng lưới có chất lượng tốt và tiềm năng nhất. GIC tin tưởng Viettel có thể giúp quỹ đầu tư này hoàn thành nhiệm vụ phát triển hạ tầng viễn thông ở châu Á và thế giới.
Ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel tin rằng 2 bên có thể tiến xa trong lĩnh vực data center. Ông Thắng hy vọng GIC có thể kết nối đồng thời trở thành đối tác kỹ thuật cho Viettel trong việc phát triển các trung tâm dữ liệu ở quy mô khổng lồ.
Cuộc trao đổi giữa GIC và Viettel vào tháng 9/2024 |
Chủ tịch Viettel giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn và đồng chí Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel nghiên cứu các dự án tiềm năng với GIC như cáp quang biển, data center.
>> Quỹ ngoại Pyn Elite Fund lạc quan mốc 2.500 điểm của VN-Index
5 năm Covid-19, khối ngoại rút ròng khoảng 170.000 tỷ đồng khỏi TTCK Việt Nam
Khối ngoại rút vốn ồ ạt, chuyên gia dự báo thời điểm trở lại mua ròng trên TTCK