Giới ngân hàng Việt đã bơm nguồn tiền lớn 530.000 tỷ cho một lĩnh vực được dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai
Dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).
Trong phần phát biểu mở đầu hội thảo “Tín dụng xanh-Việt Nam không thể chậm chân tới net zero” do Báo Lao động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo đang là hướng đi của nhiều nền kinh tế.
Do đó, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều cam kết để giảm phát thải nhà kính, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (net zero) vào năm 2050.
Theo ước tính của World Bank, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn từ 2022 đến 2045 để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh (tương đương 6,8% GDP mỗi năm). Trong đó, khối tư nhân sẽ đóng góp 184 tỷ USD, Chính phủ đóng góp 130 tỷ USD và những nguồn khác từ bên ngoài là 64 tỷ USD.
Theo KPMG, để tăng trưởng xanh và kinh tế xanh đạt được các mục tiêu đã đề ra thì việc thu hút và điều phối nguồn tài chính xanh là hết sức quan trọng, trong đó các ngân hàng sẽ đóng vai trò chủ đạo bởi mọi hoạt động trong xã hội đều cần nguồn vốn làm nền tảng và cơ chế tín dụng đóng vai trò định hướng đầu tư.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngành ngân hàng, với vai trò là kênh dẫn vốn đã tích cực hướng dòng vốn vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh.
Nhờ những nỗ lực của NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD), trong giai đoạn 2017 đến 2022, dư nợ tín dụng với các lĩnh vực xanh ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới 23%/năm. Cuối tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%).
Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á.
Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng, tỷ trọng tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) không đồng đều. 52,27% NHTM có tỷ trọng tín dụng xanh dưới 1%; chỉ 20,45% NHTM có tỷ trọng này từ 1 đến 3%. 9 ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lớn nhất đã chiếm tới 90,51% tổng dư nợ xanh toàn hệ thống.
Trong đó, một số ngân hàng đạt quy mô dư nợ tín dụng xanh cao là NH Chính sách Xã hội: 197.204 tỷ đồng, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): 63.773 tỷ đồng, NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): 47.480 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): 44.148 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội (ESG) mới chỉ được một số ngân hàng triển khai. Cụ thể, đã có 30,7% NHTM xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro, 21,9% thành lập được bộ phận, đơn vị chuyên trách về đánh giá rủi ro ESG, 30% thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và chỉ khoảng 20% có báo cáo đã kiểm toán riêng biệt, đánh giá một cách có hệ thống rủi ro liên quan đến môi trường.
Dự thảo quy định về điều kiện sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng
NHNN hướng tới mục tiêu 50% khoản vay nhỏ lẻ thực hiện qua kênh số vào năm 2025