Giữa khơi xa nuôi biển công nghệ cao, ngư dân Khánh Hòa thu tiền tỷ
Giữa biển khơi xa không còn phao xốp, nháy nhựa, bè gỗ,... thay vào đó là những lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thân thiện môi trường, chống được bão to, sóng lớn. Ngư dân Khánh Hòa tất bật chăm những lứa cá, tôm hùm cho thu tiền tỷ mỗi năm.
Lời toà soạn: Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thể hiện rõ nét khi GDP quý II đạt gần 7%, đưa GDP nửa đầu năm đạt mức tăng 6,42%. Góp chung vào quá trình phục hồi đó là sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương, trong đó có câu chuyện bứt phá của Khánh Hoà sau 2 năm lao đao vì Covid-19. Những thay đổi về tư duy và hành động, cùng khả năng nắm bắt xu hướng 'xanh' đã tạo nên con số tăng trưởng đi cùng nhiều điều mới mẻ của địa phương này. Tuyến bài "Khánh Hoà làm mới các động lực tăng trưởng" được VietNamNet thực hiện mô tả hành trình vượt khó vươn lên và đón đầu xu thế của địa phương này. |
Nuôi biển kiểu này có lời nhiều lắm!
Hơn 6h sáng có mặt ở bến cảng rồi lên tàu đi khoảng gần 1 giờ, anh Nguyễn Văn Cư (40 tuổi) có mặt tại vùng biển mở xã Cam Lập (TP. Cam Ranh, Khánh Hoà) để bắt đầu một ngày làm việc mới. Đó là hai khu lồng nuôi biển công nghệ cao, với quy mô 1.600m3 của gia đình. Lứa này, anh tiếp tục thả nuôi 4.000 con cá bớp.
“Đây là khu thí điểm nuôi biển công nghệ cao của tỉnh, có 10 hộ dân tham gia với tổng 16 lồng tròn HDPE và 12 lồng vuông HDPE nuôi các loại cá và tôm hùm. Các hộ dân cũng được tài trợ hệ thống camera, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử”, anh Cư khoe.
Công việc của một ngư dân nuôi biển không còn xa lạ với anh Cư. Bởi, từ năm 12 tuổi, anh đã theo bố mẹ nuôi biển ở Phú Yên. Thế nhưng, trước kia làm lồng bè nuôi biển theo kiểu truyền thống nên thu nhập bấp bênh. Những ngày mưa bão, cả gia đình thấp thỏm lo âu, sợ lồng bè hư hỏng vì gió to sóng lớn.
“Có năm cá ở lồng nuôi đến lứa thu hoạch, gia đình tôi giữ lại chờ giá nhích lên rồi bán. Ai ngờ, mưa lụt ập đến cá chết cả loạt vì sốc nước ngọt. Vụ đó, tôi thất thu khoảng 4 tỷ đồng”, anh nhớ lại.
Còn một năm trở lại đây, anh có thể yên tâm ngủ ngon dù bỏ một số vốn khá lớn để nuôi cá ngoài biển khơi.
Chỉ vào chiếc lồng nuôi có thể tích 800m3, anh cho hay chúng được làm bằng nhựa HDPE thân thiện môi trường, chống được bão to, sóng lớn và có độ bền đến 30 năm. Chi phí đầu tư mỗi chiếc lồng nuôi như vậy khoảng 280 triệu đồng, các ngư dân được hỗ trợ đến 70% giá trị lồng.
Vụ cá bớp đầu tiên anh Cư nuôi theo hướng công nghệ cao ở vùng biển Cam Lập này đã cho thu hoạch, sản lượng cao hơn rất nhiều so với nuôi lồng bè truyền thống. Do đó, dù bán cá với giá chưa cao như kỳ vọng, doanh thu vẫn đạt 1,3-1,4 tỷ đồng/lồng. Trừ đi chi phí, mỗi lồng nuôi anh lãi 400 triệu đồng.
“Mừng lắm. Bao nhiêu năm nuôi biển có khi nào lời được nhiều như thế này đâu. Tôi vừa thả lứa cá bớp mới”, anh Cư chia sẻ.
Vừa xong công việc làm sạch lưới ở hai khu lồng nuôi, anh Nguyễn Quang Tiến cũng tiết lộ: “Nhà có 2 lồng nuôi cá bớp. Sau 10 tháng thả nuôi, vụ đầu tiên tôi thu về lượng cá lớn, bán đi lãi 800 triệu đồng”.
Anh tâm sự, ban đầu mới nghe nói đến nuôi biển công nghệ cao anh khá lo lắng. Bởi, chi phí đầu tư lớn, sợ thất bại sẽ mất hết vốn liếng. Nhưng sau một vụ nuôi, anh thấy hài lòng. Lồng nhựa HDPE chịu được sóng to, gió lớn, cá được thả với mật độ dày nên năng suất rất cao.
Công việc hàng ngày của anh là cho cá ăn, làm vệ sinh lưới theo định kỳ. Mỗi lồng có 1 camera giám sát, anh ngồi ở nhà hay bất cứ đâu cũng có thể quan sát lồng nuôi thông qua điện thoại thông minh.
“Quan trọng nhất là nuôi biển kiểu này có lời lớn, gấp nhiều lần nuôi theo lồng bè truyền thống. Lồng nhựa HDPE lại bền vững, giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường”. Anh nói và cho biết, lợi nhuận cao nên anh tính toán làm thêm nhiều lồng nữa để gia đình tăng thu nhập.
Anh nhẩm tính, với chi phí đầu tư lồng HDPE, chỉ cần một vụ nuôi cá bớp đã hoà vốn. Thế nên, tiền lãi từ lứa cá đầu tiên anh dự tính làm thêm 2 lồng nuôi nữa. Còn sau này cứ có tiền đến đâu mở rộng quy mô lồng nuôi đến đó.
Xoá dần phao xốp, nháy nhựa để biển ‘xanh’
Ở nước ta, nuôi biển là một thế mạnh đem về hàng tỷ USD mỗi năm. Với 385km đường bờ biển, hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió... Khánh Hòa không chỉ là địa phương có tiềm năng mà còn nằm trong top đầu cả nước về phong trào nuôi biển.
Đối tượng nuôi chủ yếu ở địa phương này gồm: tôm hùm, cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm... Ngoài ra, nuôi hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong biển... cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân.
Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hoà - thông tin, lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt từ 16.000-18.000 tấn, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản. Trong đó, sản lượng nuôi biển chiếm khoảng 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2023 đạt 780 triệu USD.
Tuy nhiên, nuôi biển chủ yếu sử dụng cá tạp, lượng thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh chưa được kiểm soát. Việc sử dụng các phao xốp, nháy nhựa, bao bì làm gia tăng rác thải, ảnh hưởng lớn tới môi trường; ngư dân gặp rủi ro cao khi nuôi bằng lồng bè truyền thống…
Những năm gần đây, nhiều cơ quan, tổ chức đưa ra cảnh báo về tình trạng gia tăng rác thải nhựa trên đại dương. Trong quá trình sản xuất và tiêu hủy nhựa đều phát thải một lượng lớn CO2 và các khí nhà kính khác. Đáng chú ý, khi nhựa bị đốt cháy, chúng còn phát thải các chất độc hại vào không khí, ảnh hưởng tới môi trường.
Để biển mãi xanh, phát triển theo hướng bền vững và giảm phát thải đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hiện nay, ông Nguyễn Duy Quang cho biết ngành nông nghiệp Khánh Hòa tập trung triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình nuôi biển tiên tiến thí điểm ở các vùng biển hở trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2023, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hoà phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) và UBND TP Cam Ranh xây dựng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại xã Cam Lập. Sau 1 năm triển khai, mô hình thí điểm đã thành công bước đầu.
Bên cạnh khả năng chịu được sóng gió, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, cá nuôi lồng bằng vật liệu HDPE mang lại lợi nhuận cao hơn nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172% đối với mô hình nuôi cá bớp; đạt 112% đối với mô hình nuôi tôm hùm và đạt 131,4% đối với mô hình nuôi cá mú.
“Đây là cơ sở để nhân rộng phát triển mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh”, ông nói.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hoà, thời gian qua một số doanh nghiệp, đơn vị đã đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả cao. Điển hình, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đã đầu tư và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến như: vận hành hệ thống cho cá ăn tự động, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống nhân tạo đến công đoạn thu hoạch.
Ở mô hình này, lồng nuôi HDPE thích ứng với biển đổi khí hậu, góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường. Thức ăn cho tôm, cá được giám sát bằng công nghệ theo tiêu chí “đúng - đủ”, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do thức ăn dư thừa.
Ông Quang đánh giá, chuyển sang nuôi biển công nghệ cao đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân trong nuôi trồng thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái.
Đồng thời, từng bước đưa ngành nuôi biển phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với đó, mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ nuôi nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả tỉnh Khánh Hoà.
Song, ông cho rằng, việc xoá thùng xốp, nháy nhựa hay các lồng bè truyền thống phải thực hiện từng bước. Khánh Hoà đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư chế tạo các thiết bị, phương tiện nuôi biển công nghiệp (lồng nuôi HDPE, phao, lưới bằng vật liệu mới, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh... ); các doanh nghiệp sản xuất giống quy mô lớn, sản xuất thức ăn công nghiệp, tổ chức hậu cần dịch vụ cho nghề nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Duy Quang cũng nhấn mạnh, trong lộ trình đưa phát thải ròng về 0, các ngành nghề đều chuyển đổi dần sang xanh và bền vững. Chuyển đổi không chỉ để bán được hàng vào các thị trường mà còn để bảo vệ chính môi trường sống của chúng ta.
Đầu tháng 6, khi nghe báo cáo về mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển mở ở Khánh Hoà, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay có thể nhân rộng ra 27 tỉnh, thành phố ven biển khác ở nước ta. Riêng với Khánh Hoà, ông Tiến lưu ý, trong quá trình nhân rộng cần thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân ứng dụng nuôi biển công nghệ cao; xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng; thường xuyên quan trắc môi trường để đảm bảo thủy sản nuôi phát triển tốt, gắn với bảo vệ môi trường nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. |
Kỳ tới: Làm giàu từ siêu thực phẩm 'rớt xuống nước tới đâu, biển được làm sạch đến đó'
>> Những bố nuôi Biên phòng của trẻ mồ côi ở vùng cao biên cương Hà Giang
Những bố nuôi Biên phòng của trẻ mồ côi ở vùng cao biên cương Hà Giang
Vịnh lớn thứ 2 của Khánh Hòa dự kiến triển khai dự án nuôi biển công nghệ cao 13ha