Giữa lúc giá cao, một quốc gia ở Đông Nam Á chi gần 1 tỷ USD mua gạo Việt Nam
Giá bình quân xuất khẩu gạo ở Việt Nam vẫn neo ở ngưỡng cao. Một quốc gia ở Đông Nam Á đã chi gần 1 tỷ USD để mua 1,49 triệu tấn gạo Việt chỉ trong 4 tháng vừa qua.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024, nước ta đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo, thu về gần 620 triệu USD.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,17 triệu tấn gạo, giá trị đạt gần 2,04 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh tới 33,6%.
Giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy kim ngạch gạo xuất khẩu của nước ta tăng mạnh trong những tháng vừa qua.
Đáng chú ý, trong lúc giá gạo neo cao thì Philippines – khách hàng truyền thống của gạo Việt – bất ngờ mua lượng gạo lớn của nước ta.
Cụ thể, trong tháng 4, quốc gia ở Đông Nam Á này đã chi 286,8 triệu USD để mua 478.700 tấn gạo, tăng 21% về lượng và tăng mạnh 45% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, Philippines nhập khẩu 1,49 triệu tấn gạo từ Việt Nam, giá trị đạt 935,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo quốc gia này nhập khẩu từ Việt Nam chỉ tăng 15,5%, nhưng giá trị tăng tới 44,5%. Theo đó, thị trường Philippines chiếm gần 47% giá trị xuất khẩu gạo của nước ta trong 4 tháng năm 2024.
Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã vượt Thái Lan để trở thành nhà cung ứng quan trọng và giữ vị trí số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines. Hiện Philippines cũng là thị trường truyền thống xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trong báo cáo ngũ cốc toàn cầu hàng tháng mới đây, nhập khẩu gạo của Philippines được dự đoán còn tăng cao hơn trong năm tới do tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng.
Khối lượng nhập khẩu sẽ đạt mức cao kỷ lục nhờ vào “sự tăng trưởng dân số và du lịch tăng lên”. Trong khi đó, sản lượng gạo nội địa 3 tháng đầu năm của quốc gia này lại giảm.
USDA đánh giá, Philippines sẽ là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Lượng nhập khẩu gạo của quốc gia này trong năm nay có thể lên tới 4,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với mức 3,9 triệu tấn vào năm ngoái.
Về thị trường Philipines, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines - cho rằng nước ta còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường này. Bởi nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng.
Cùng với đó, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp đến các tầng lớp giàu có, giá cả lại cạnh tranh.
Đặc biệt, gạo của Việt Nam ổn định về nguồn cung và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Đây cũng là lợi thế khi xuất khẩu vào Philippines – quốc gia nhập khẩu gạo top đầu thế giới.
Song, mới đây, hai ủy ban của Hạ viện Philippines đã thông qua dự thảo luật Thuế quan gạo (RTL) mới và khôi phục vai trò của Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA).
Theo dự thảo chính sách mới, NFA sẽ được khôi phục chức năng điều tiết thị trường. Cơ quan này sẽ được cấp tiền và quyền để mua gạo nội địa cũng như nhập khẩu trực tiếp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ và tiêu dùng nội địa cũng như bình ổn giá gạo.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và chuyên gia, nhận định, nếu chính sách mới này được thông qua vào cuối tháng 5 như dự kiến cùng những nội dung trong dự thảo hiện tại thì việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bởi chính sách mới đề cao vai trò bình ổn thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, làm mờ vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò chủ chốt trong việc kinh doanh và xuất nhập khẩu gạo. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường này có thể sẽ phải làm quen với phương thức mới của Philippines.