Sống

Gỡ ‘nút thắt’ ùn tắc giao thông cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô

Diệu Anh 07/09/2023 - 19:56

Việc xây dựng hầm chui để giải tỏa ùn tắc giao thông tại nút giao Cổ Linh-cầu Vĩnh Tuy nhằm mở ra không gian lưu thông cho cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô là vô cùng quan trọng và cấp bách.

Gỡ ‘nút thắt’ ùn tắc giao thông cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô - Ảnh 1.

Việc xây dựng hầm chui để giải tỏa ùn tắc tại nút giao Cổ Linh-cầu Vĩnh Tuy nhằm mở ra không gian lưu thông cho cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô. Ảnh: Internet

Cùng với dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở thông xe vào cuối năm 2022, cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành đã trở thành mảnh ghép tiếp theo hoàn chỉnh trục đường Vành đai 2; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc Thành phố.

Tuy nhiên, việc thông cầu giai đoạn 2 lại khiến lượng phương tiện di chuyển dồn lên các nút giao như nút giao Cổ Linh (trên địa bàn quận Long Biên) và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy càng trầm trọng hơn. Ðây là một nút giao thông lớn, đã được Thành phố đầu tư xây dựng cầu vượt trên tuyến đường Cổ Linh.

Lâu nay, tình trạng ùn tắc tại khu vực nút giao thông này vẫn thường xảy ra, do đường Cổ Linh là tuyến kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và khi cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành, số phương tiện đi qua nút giao này càng lớn, xung đột giao thông khiến tình trạng ùn tắc xảy ra phức tạp hơn trước.

Anh Đỗ Văn Nam (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) chia sẻ, quãng đường đi làm của anh từ Phúc Đồng đến đường Minh Khai khoảng gần chục km. Vào mỗi giờ cao điểm, anh mất gần 40-50 phút để di chuyển và nút giao thông Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy luôn khiến anh mất 10-15 phút mỗi ngày.

Không chỉ anh Nam mà nhiều người dân khác như chị Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1991) cho biết: "Cách đây 3 năm, tôi chuyển về một chung cư ở Long Biên sinh sống. Mỗi sáng đi làm tôi đều bị áp lực bởi sự ùn tắc giao thông tại các lối lên cầu Vĩnh Tuy. Nhiều khi phải đứng "chôn chân" ở đó rất lâu. Nay cây cầu giai đoạn 2 hình thành và sắp tới có cả hầm chui qua nút giao Cổ Linh nữa, hy vọng việc đi lại sẽ thuận tiện hơn".

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay, việc đầu tư và hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2 là đúng thời điểm. Cây cầu chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển đô thị, dịch vụ và giao thương đi lại đôi bờ sông Hồng. Tuy nhiên hướng lên, xuống cầu Vĩnh Tuy chưa hình thành các nhánh lưu thông khác mức, do đó lưu lượng dồn về nút giao sẽ rất cao bởi năng lực đáp ứng của cầu đã tăng lên. Đề ra giải pháp, có thể nghiên cứu xây dựng hầm chui theo hướng trực thông lên - xuống cầu Vĩnh Tuy.

Nhằm giải quyết vấn đề trên, UBND TP. Hà Nội vừa giao các đơn vị liên quan lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh (thuộc địa phận quận Long Biên) và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500-700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.

Hầm chui dự kiến xây dựng tại nút giao Cổ Linh-đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy có kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy - Long Biên và ngược lại. Chiều dài hầm dài khoảng 500 m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75 m (tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường).

Về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng, Vành đai 2 là tuyến giao thông lớn xuyên tâm của Hà Nội, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc cho khu vực nội đô Thành phố; đồng thời phân bổ bớt áp lực trên Vành đai 3. Do đó, để trục đường vành đai 2 phát huy đúng năng lực thì không chỉ xây dựng nút giao Cổ Linh mà còn một nút thắt quan trọng khác rất cần giải quyết sớm là đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.

Đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy hiện là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nặng nề nhất của Hà Nội. Đây cũng là nút thắt hạn chế đáng kể năng lực của Vành đai 2. Vì vậy, Hà Nội cần gấp rút đầu tư xây dựng đoạn tuyến nêu trên, tháo gỡ nút thắt cho toàn tuyến, tối ưu hiệu quả đầu tư.

Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội đang có tổng cộng 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng và một hầm chui đang xây dựng. 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn gồm Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương, một hầm đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng. Việc Hà Nội tiếp tục xây hầm chui thứ 6 tại khu vực nút giao Cổ Linh-đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc giao thông khu vực này vào các khung giờ cao điểm.

Chuyển sang xe điện để giảm ô nhiễm không khí, Việt Nam sẽ tiết kiệm 6,5 tỷ USD

Lộ diện nhà ga cuối cùng của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Diện tích 17ha, vị trí đắc địa trên trục đường giao thông liên vùng

Theo chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/go-nut-that-un-tac-giao-thong-cua-ngo-dong-bac-thu-do-103230907151228471.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gỡ ‘nút thắt’ ùn tắc giao thông cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô
    POWERED BY ONECMS & INTECH