Doanh nghiệp A-Z

Gỡ rào cản cho siêu dự án 2,3 tỷ USD tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam của Hóa chất Đức Giang (DGC)

Ánh Nguyệt 13/10/2024 14:11

Đắk Nông đang nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc để triển khai thủ tục cho dự án khai thác bô xít, sản xuất Alumin, trong đó có đề xuất của Hóa chất Đức Giang (DGC).

Vào ngày 10/10, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trương Thanh Hoài làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông để rà soát kết quả thực hiện kết luận số 31-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại đây, ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết hiện có 4 nhà đầu tư bao gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, CTCP Tập đoàn TH, Công ty TNHH Khai khoáng Việt Nam và CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư và đã đề xuất chủ trương đầu tư các tổ hợp bô xít - alumin - nhôm theo quy hoạch.

Trong quá trình xử lý đề xuất của các nhà đầu tư, tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan. Đó là vấn đề thẩm quyền quyết định đầu tư, về quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà máy, về lựa chọn vị trí đặt nhà máy (trong hay ngoài phạm vi các vùng quy hoạch bô xít)…

Tỉnh Đắk Nông đã đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên nguồn lực để phát triển thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - alumin - nhôm. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác bô xít nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài ghi nhận nỗ lực của tỉnh và khẳng định tiềm năng lớn của bô xít Đắk Nông. Ông nhấn mạnh sự sẵn sàng hỗ trợ của Bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng địa phương, đồng thời yêu cầu xác định rõ các vướng mắc trong triển khai dự án để giải quyết kịp thời.

Nếu vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, tỉnh cần chủ động giải quyết; còn nếu thuộc cấp Bộ hoặc Chính phủ, lãnh đạo Bộ sẽ sớm có giải pháp tham mưu để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo tuân thủ pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Gỡ rào cản cho siêu dự án 2,3 tỷ USD tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam của Hóa chất Đức Giang (DGC)
Đức Giang (DGC) cho biết dự án sản xuất Alumin tại Đắk Nông dự kiến được cấp phép trong giai đoạn 2026-2027 (Nguồn ảnh: Báo Đắk Nông)

Trước đó, hồi giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hóa chất Đức Giang nghiên cứu và khảo sát vị trí mỏ bô xít tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại huyện Đắk Song.

Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả 2 giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.

Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ban lãnh đạo Đức Giang cũng chia sẻ về khả năng vận hành dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông. Dự án dự kiến được cấp phép trong 2 - 3 năm tới và hoàn thành xây dựng sau 2 - 3 năm và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2028 - 2030. Với công suất sản xuất 3 triệu tấn alumin, Tập đoàn có thể đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD theo giá hiện tại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lớn.

Đắk Nông được ví như “mỏ vàng” quặng bô xít khi 1/3 diện tích tỉnh nằm trong quy hoạch bô xít. Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Đắk Nông có tổng trữ lượng quặng bô xít hơn 1,784 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng).

Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này là 179.597ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước. Quặng bô xít ở Đắk Nông trải rộng trên hầu hết diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu ở 5 địa bàn: TP. Gia Nghĩa, Đắk G’long, Đắk R’lấp, Tuy Đức và Đắk Song. Bô xít ở Đắk Nông được đánh giá có chất lượng cao hơn bô xít ở các địa phương khác. Hàm lượng bô xít nhôm đạt gần 40%.

>> Siêu dự án tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam có thể mang về 1,5 tỷ USD doanh thu cho Hóa chất Đức Giang (DGC)

Siêu dự án tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam có thể mang về 1,5 tỷ USD doanh thu cho Hóa chất Đức Giang (DGC)

Hóa chất Đức Giang (DGC) tiết lộ thời điểm siêu dự án Bauxite 2,3 tỷ USD được cấp phép

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/go-rao-can-cho-sieu-du-an-23-ty-usd-tai-mo-vang-bo-xit-lon-nhat-viet-nam-cua-hoa-chat-duc-giang-dgc-253368.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Gỡ rào cản cho siêu dự án 2,3 tỷ USD tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam của Hóa chất Đức Giang (DGC)
POWERED BY ONECMS & INTECH