Những chính sách sai lầm của vị CEO đương nhiệm David Solomon đã khiến Goldman Sachs tụt lại phía sau các ngân hàng khu vực.
Cựu Giám đốc điều hành Goldman Lloyd Blankfein. |
Tháng 2 năm nay, khi đối tác của Goldman Sachs tụ họp tại Miami Beach, Florida (Mỹ) để tham dự cuộc họp thường niên của các lãnh đạo cấp cao ngân hàng, cựu Giám đốc điều hành Lloyd Blankfein đã chiếm trọn sự chú ý.
Theo tờ Wall Street Journal, Blankfein ngồi trước quán bar khách sạn ngay khi cuộc họp thường niên sắp bắt đầu và nói rất nhiều về người kế nhiệm của mình.
CEO hiện tại của Goldman là David Solomon tiếp quản ngân hàng từ năm 2018. Ông vẫn liên tục cố gắng làm mới hình ảnh của ngân hàng cũng như chính bản thân mình bằng cách mở rộng các mảng kinh doanh cốt lõi và đa dạng hóa sang cả những lĩnh vực mới.
Tuy nhiên, Blankfein phàn nàn rằng David Solomon đã dành quá nhiều thời gian cho việc cá nhân, bay quanh thế giới trên phi cơ riêng của Goldman cũng như chơi DJ tại các hộp đêm và lễ hội.
Blankfein không phải là người duy nhất bất bình về vị CEO đương nhiệm của Goldman. Các đối tác đổ lỗi cho Solomon vì đã khiến ngân hàng này phải đau đầu giải quyết tình trạng thua lỗ trong mảng kinh doanh vay tiêu dùng.
CEO David Solomon biểu diễn tại một câu lạc bộ đêm ở Brooklyn năm 2018. |
Từ đây, những rạn nứt đang dần xuất hiện trong quan hệ đối tác của Goldman Sachs vốn bền chặt và gắn kết tại phố Wall.
Các CEO ngân hàng hầu hết đều đưa ra những quyết định lớn với đội ngũ giám đốc điều hành, tuy nhiên Goldman Sachs lại không như vậy.
Kể từ khi bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn New York năm 1999, ngân hàng này duy trì quan hệ đối tác với khoảng 420 thành viên. Nhiều đối tác cho rằng họ cũng quan trọng như CEO.
Nỗ lực làm mới
Thế nhưng mọi chuyện đã dần thay đổi từ khi ông Solomon nhậm chức từ năm 2018.
Vị CEO 61 tuổi này đã tìm cách áp đặt kỷ luật doanh nghiệp lên cấu trúc tự do của ngân hàng. Tuy nhiên các đối tác đã quen với việc chịu ít sự giám sát không thể hài lòng với những thay đổi này.
Ông Solomon cũng đã nỗ lực hợp nhất các khoản đầu tư của Goldman vào vốn cổ phần tư nhân, tín dụng và bất động sản, nằm trong bộ phận ngân hàng thương mại, với một “nhóm tình huống đặc biệt” gắn liền với bộ phận chứng khoán. Cả hai nhóm đều sử dụng tiền riêng của Goldman trong các khoản đầu tư ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, kế hoạch này không được nhiều đối tác ủng hộ. Rich Friedman, một đối tác đã giúp mở rộng bộ phận ngân hàng thương mại trong hơn hai thập kỷ, cho rằng “Solomon có hai doanh nghiệp tuyệt vời, nhưng hợp nhất chúng có thể dẫn đến một mớ hỗn độn khổng lồ”.
Thêm vào đó, Goldman Sachs còn mắc kẹt trong vụ bê bối 1MDB mà trong đó các quan chức Malaysia và Abu Dhabi nhận tổng cộng 1,6 tỷ USD tiền hối lộ từ năm 2009 đến 2014.
Ngoài ra, các đối tác cũng không còn giữ nhiều cổ phần tài chính trong Goldman Sachs. Năm 2000, một năm sau khi ngân hàng niêm yết, đối tác có khoảng 62% cổ phần của ngân hàng. Con số này đã giảm xuống còn khoảng 9% vào năm 2008. Vào thời điểm ông Solomon tiếp quản, các đối tác sở hữu khoảng 4%.
Chính sách sai lầm
Không thể phủ nhận rằng một số nỗ lực của Solomon đã đem lại quả ngọt. Đồng minh của ông nhấn mạnh vị CEO đã xoay xở để hồi sinh cổ phiếu ngân hàng tăng 53% từ đầu nhiệm kỳ.
“Giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát. Công ty đã chứng kiến hiệu suất kỷ lục vào năm 2021. David không xứng đáng được ghi nhận vì điều đó sao?”, Gregg Lemkau, cựu đối tác rời Goldman vào cuối năm 2020, cho biết.
Sáng kiến One Goldman Sachs của Solomon nhằm khuyến khích nhân viên giới thiệu khách hàng tới những bộ phận khác cũng đã giúp ngân hàng thu được nhiều lợi nhuận hơn từ các khách hàng hiện tại.
Tuy nhiên, John Rogers, một đối tác của Goldman từ năm 2000 và là thư ký hội đồng quản trị của ngân hàng, bày tỏ lo ngại về những hợp đồng biểu diễn DJ của ông Solomon. Điều không mang lại hình ảnh tốt đối với lãnh đạo của một trong những công ty đáng gờm nhất phố Wall.
Solomon cũng đẩy Goldman lấn sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh phục vụ người tiêu dùng. Trong ngày đầu tư đầu tiên của Goldman năm 2020, Solomon cho biết ngân hàng đang xây dựng một “ngân hàng tiêu dùng kỹ thuật số của tương lai”.
Ông cũng đã nói chuyện với các đối tác về việc tạo ra một cú hích lớn trong kinh doanh với việc mua lại. Ông đặt mục tiêu vào công ty cho vay tiêu dùng GreenSky.
Vào tháng 2, ông Solomon cho biết bộ phận kinh doanh vay tiêu dùng đã lỗ hơn 3,8 tỷ USD kể từ năm 2020 và chuẩn bị kế hoạch bán GreenSky. Giấc mơ về ngân hàng tiêu dùng chưa thể trở thành sự thực.
“Có một số thành công nhưng cũng có sai lầm. Chúng tôi đã học được rất nhiều”, ông Solomon nói vào thời điểm đó.