Phó Chủ tịch Hà Nội: Nếu chỉ trông vào đầu tư công và xuất khẩu, Hà Nội khó bứt phá tăng trưởng 10-12%
Hà Nội không thể tiếp tục dựa vào động lực truyền thống như đầu tư công và xuất khẩu tiêu dùng, mà phải chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa vào thể chế, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Không thể trông chờ mãi vào đầu tư công và xuất khẩu
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng, khẳng định: “Hà Nội đã không còn nghi ngờ về việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay nữa. Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 7,63%, dự báo quý III là 8,19% và quý IV là 8,53%. Với kịch bản này, thành phố sẽ cán mốc trung bình cả năm khoảng 8%.”
Với quy mô kinh tế hiện tại khoảng 58,2 tỷ USD, để đạt mức tăng trưởng 8%, Hà Nội cần nâng tổng sản phẩm lên khoảng 63 tỷ USD – tương đương tăng thêm 5 tỷ USD trong một năm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng vốn đầu tư đã huy động được của thành phố là hơn 20 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư công khoảng 3,5 tỷ USD, vốn FDI là 3,67 tỷ USD, còn lại là vốn từ khu vực tư nhân, xã hội.
“Như vậy, nếu sử dụng hiệu quả 20 tỷ USD, tương đương 25% GDP, thì hoàn toàn có thể đảm bảo tăng trưởng 8%. Nhưng như thế là chưa đủ. Hà Nội kỳ vọng tăng trưởng hai con số, nghĩa là chúng tôi cần một động lực mới, một cách làm khác hẳn,” ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, nếu tiếp tục trông cậy vào các động lực cũ như đầu tư công và xuất khẩu tiêu dùng, Hà Nội sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 10–12% như kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm dành cho Thủ đô.
“Do đó, chúng tôi xác định rõ, phải tái cơ cấu động lực tăng trưởng, dựa trên thể chế và đổi mới sáng tạo", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
![]() |
Ông Trương Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng). |
>>> Chủ tịch Hà Nội 'đặt hàng' chuyên gia: Làm sao để có tập đoàn tư nhân tầm cỡ quốc tế?
Hà Nội đã chọn Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị làm trụ cột cho chiến lược phát triển mới. Đây là các nghị quyết đặc biệt quan trọng về cơ chế, chính sách đặc thù và cải cách thể chế để phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, ông Trương Việt Dũng cho biết trong tháng 8 tới, Hà Nội sẽ ban hành 8 nghị quyết chuyên đề về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Cơ chế “ba nhà” (Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp); Đề án đổi mới sáng tạo; Quỹ ươm mầm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Cơ chế giá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ.
“Chúng tôi sẽ triển khai Trung tâm đổi mới sáng tạo ngay tại các trường đại học, nhằm thay đổi tận gốc phương thức tiếp cận đổi mới sáng tạo, đưa tri thức và doanh nghiệp gần nhau hơn,” ông Dũng nói.
Hà Nội sẽ tái cấu trúc mạnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Một trong những điểm nhấn chính sách của Hà Nội là quyết tâm thay đổi cách thức vận hành Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ông Dũng nhấn mạnh, thành phố đang xây dựng Hòa Lạc như một “đô thị khoa học công nghệ” – tức không chỉ là khu sản xuất công nghệ cao, mà còn là một nơi “sống được”, có hạ tầng, dịch vụ và môi trường sống chất lượng để thu hút nhân tài công nghệ về làm việc lâu dài.
Thành phố cũng kiến nghị Trung ương sớm có định nghĩa và quy chuẩn cụ thể về mô hình “công viên công nghệ số”, hiện đang được một số nhà đầu tư quốc tế đề xuất nhưng chưa có hành lang pháp lý.
Hà Nội đã đầu tư vào xây dựng đô thị thông minh từ nhiều năm qua, nhưng theo ông Dũng, vẫn còn thiếu một khung khái niệm và mô hình chuẩn về “đô thị thông minh” và “chuyển đổi số thông minh”.
“Chúng tôi rất mong Trung ương sớm đưa ra khái niệm, định nghĩa cụ thể để địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ. Vì làm đô thị thông minh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn phải chuyển đổi thể chế quản trị và dịch vụ công,” ông Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh tới vai trò của liên kết vùng như một đòn bẩy tăng trưởng. Ông dẫn chứng, các dự án giao thông kết nối vùng như Vành đai 4, Vành đai 5... có thể giúp giảm chi phí logistics tới 3,8 điểm phần trăm trong GDP.
“Chúng ta cần sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư: Từ dự án quốc gia, đến liên kết vùng, rồi mới tới từng tỉnh. Chỉ khi đó, chúng ta mới tạo được động lực vùng và sau đó là tăng trưởng cho từng địa phương,” ông Dũng kiến nghị.
Nhiều hạng mục tại khu đô thị mới Trung Văn chậm triển khai, TP. Hà Nội ra chỉ đạo nóng
6 tháng đầu năm: Thu hút FDI lập kỷ lục cao nhất 15 năm, TP. Hà Nội vươn lên dẫn đầu