GS.TS Nguyễn Thị Lan: Cần cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo phòng chống thiên tai
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đoàn Hà Nội) đề nghị, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai, đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực này.
Nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu
Chiều 4/11, phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội về phòng chống thiên tai, GS.TS Nguyễn Thị Lan (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Các hiểm họa tự nhiên đã và đang gây ra những thiệt hại rất lớn cả về người và của cho đất nước.
GS.TS Nguyễn Thị Lan - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
"Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống thiên tai không chỉ là nhu cầu cấp thiết của tình hình thực tế mà còn là phát huy truyền thống của cha ông, bảo đảm cuộc sống an bình, thịnh vượng cho nhân dân, để Việt Nam phát triển vững bền, sẵn sàng và tự tin tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.
GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu để bảo đảm phát triển bền vững đất nước, sự yên bình và ổn định của xã hội.
"Gần đây nhất, trong dịp về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi đó đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phòng chống thiên tai”, bà Lan cho hay.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã rất nỗ lực cố gắng và có nhiều giải pháp ứng phó, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn thiếu, hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy.
Đáng lưu ý, hiện nay, hầu như chưa có cơ sở đào tạo đại học nào đào tạo và cấp bằng về ngành phòng chống thiên tai.
Chính phủ sớm ban hành nghị định
Từ phân tích trên, GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị tăng cường và thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn về phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ các cấp và người dân.
Đồng thời, cần rà soát, cải tiến và xây dựng mới các chương trình đào tạo bài bản, phù hợp ở các cấp học, bậc học đảm bảo cập nhật về nội dung, kiến thức, công nghệ mới của thế giới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Tổ chức các loại hình từ đào tạo ngắn hạn đến dài hạn, có cơ chế đặc thù để mở ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học.
Cũng theo đại biểu, cần rà soát năng lực của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong cả nước để tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu sâu trong lĩnh vực này, nhằm tạo ra các cơ sở đào tạo, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, chuyên nghiệp đủ mạnh, đủ năng lực đào tạo.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, chú trọng tới việc cử cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, đội ngũ giảng viên đi học tập và đào tạo, nghiên cứu tại các nước tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm để đủ sức kiến tạo, dẫn dắt.
“Chính phủ sớm ban hành nghị định về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai, đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực trẻ tham gia học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này”, đại biểu Lan nêu.
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng). Ảnh: Như Ý |
Đề xuất sớm có chính sách bảo hiểm lũ lụt
Trước tác động ngày càng sâu sắc của biến đổi khí hậu, tại phiên họp đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt.
Đại biểu đoàn Sóc Trăng cũng ủng hộ việc Chính phủ bổ sung đầu tư ngân sách cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên, quan tâm cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thông qua hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, bà Tô Ái Vang cũng lưu ý, phân công các bộ, ngành chuyên môn tiến hành khảo sát, lập báo cáo về bản đồ, xác định, đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để tiến đến phương án quy hoạch, cảnh báo nghiêm ngặt.
“Các quốc gia trên thế giới đã triển khai việc thu hoạch nước mưa”, nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và ban hành các quy định cụ thể trong việc tích trữ và sử dụng nước mưa, làm cơ sở để người dân an tâm thực hiện.