Bất động sản

Hà Lan viện trợ không hoàn lại làm nhà máy nước gần 1.500 tỷ tại tỉnh sắp sáp nhập với Hải Phòng

An Khánh 28/05/2025 10:45

Dự án góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và khẳng định cam kết của địa phương trong việc hướng tới một đô thị xanh – sạch – đáng sống.

Ngày 26/5, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương có cuộc làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam về triển khai Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị trọng điểm có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.498 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 959,6 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của Hà Lan là 538,6 tỷ đồng. Dự kiến dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng trong tháng 6/2028.

Dự án này nhằm nâng cao năng lực xử lý nước thải, cải thiện môi trường sống và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững của tỉnh. Dự án tập trung vào việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho các đô thị gồm thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, và các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Nam Sách.

Hà Lan viện trợ không hoàn lại làm nhà máy nước gần 1.500 tỷ tại tỉnh sắp sáp nhập với Hải Phòng- Ảnh 1.
Ông Willem Timmerman, đại diện phía Hà Lan tại Việt Nam trong buổi làm việc với tỉnh Hải Dương. Ảnh: Ngân Hạnh

Các hạng mục chính bao gồm khoảng 166km cống tự chảy; 8,9km tuyến ống áp lực, 9 trạm bơm và 5 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 21.000m3/ngày đêm. Mục tiêu là nâng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải toàn tỉnh lên trên 30%, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và hỗ trợ quá trình đô thị hóa của địa phương.

Dự án áp dụng công nghệ bể bùn hạt hiếu khí (AGS), một công nghệ tiên tiến có ưu điểm về tiết kiệm diện tích, chi phí vận hành thấp và phù hợp với xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý nước thải.

Để thực hiện dự án, tỉnh Hải Dương đã đề xuất Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại thông qua chương trình DRIVE, với sự tư vấn của Tập đoàn Royal HaskoningDHV.

>> Tỉnh sở hữu 'thiên đường du lịch biển phía Nam' sắp có thêm dự án đô thị 35.000 tỷ đồng

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương bày tỏ mong muốn Chính phủ Hà Lan và các doanh nghiệp Hà Lan tiếp tục quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nước, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải tại địa phương. Việc triển khai dự án này không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.

Dự án hợp tác giữa Hải Dương và Hà Lan trong lĩnh vực xử lý nước thải là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh. Việc tận dụng nguồn viện trợ quốc tế và áp dụng công nghệ tiên tiến hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng và môi trường sống tại địa phương.

Trước đó, vào năm 2007, Hải Dương đã nhận được viện trợ từ Hà Lan để xây dựng Nhà máy nước Cẩm Thượng, dự án đã đi vào hoạt động từ tháng 4/2011 và cung cấp nước sạch đạt chuẩn cho thành phố Hải Dương.

Tại Hải Dương, hiện có 4 dự án của Vương quốc Hà Lan đầu tư vào tỉnh Hải Dương, với tổng vốn đầu tư 36,8 triệu USD.

Theo phương án hợp nhất các tỉnh thành trên cả nước, dự kiến sáp tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, tên gọi mới của 2 địa phương này là TP. Hải Phòng, Trung tâm Hành chính – Chính trị tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, Thủy Nguyên.

>> Cao tốc đi qua 'siêu thủ phủ công nghiệp mới' được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe

Phát hiện 5 công nhân tử vong bí ẩn trong bể chứa tại nhà máy nước mắm

Doanh nghiệp hơn 20 năm tuổi muốn xây dựng Nhà máy nước Dung Quất 2

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/ha-lan-vien-tro-khong-hoan-lai-lam-nha-may-nuoc-gan-1500-ty-tai-tinh-sap-sap-nhap-voi-hai-phong-202250527233311701.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Hà Lan viện trợ không hoàn lại làm nhà máy nước gần 1.500 tỷ tại tỉnh sắp sáp nhập với Hải Phòng
    POWERED BY ONECMS & INTECH