Hà Nội đặt mục tiêu 100% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, VinBus đề xuất gì?
Theo lãnh đạo VinBus, Hà Nội cần có cơ chế 'kéo và đẩy', ưu tiên trong nhượng quyền, gia nhập thị trường với doanh nghiệp có năng lực để có thể đẩy mạnh tiến trình xanh hoá mạng lưới giao thông công cộng.
Chiều ngày 5/11, Báo Hà Nội mới phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết Hà Nội hiện có hơn 2.000 xe buýt đang được trợ giá, tuy nhiên chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, chiếm tỷ lệ 13,6%. Cụ thể, có 139 xe buýt chạy bằng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện. Ngoài ra, hơn 1.200 xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên, trong khi 1.575 phương tiện vẫn sử dụng dầu diesel và cần được thay thế.
Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, dự kiến tỷ lệ này tăng lên 100% vào năm 2035. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đầu tư cho các phương tiện sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus (Nguồn: Báo Hà Nội mới) |
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus chia sẻ về những khó khăn, trở ngại trong những ngày đầu doanh nghiệp đưa buýt điện vào vận hành. Theo đó, các tuyến xe buýt điện được triển khai từ năm 2019, nhưng do đại dịch Covid-19 nên từ năm 2021 mới đi vào hoạt động.
Một trong những trở ngại lớn là do loại hình này lần đầu hoạt động tại Việt Nam, thành phố đã có chính sách trợ giá cho người dân sử dụng xe buýt truyền thống, nhưng với xe buýt điện thì tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 nên vào thời điểm đó, rất khó thu hút người dân tham gia buýt điện.
"Khi đó, VinBus chưa được hưởng cơ chế trợ giá cho xe điện, nên chúng tôi phải làm đề án xin Chính phủ cho phép thí diểm trong 2 năm, vừa chạy vừa xếp hàng để xây dựng cơ chế cho xe buýt điện.
Trở ngại lớn thứ 2 là kinh nghiệm, kiến thức cho hoạt động xe buýt điện, yêu cầu về kỹ thuật khác nhiều so với xe buýt thông thường nên chúng tôi phải ra nước ngoài học tập. Đến giờ phút này, hệ thống đã hoạt động rất trơn tru về cả quy trình vận hành và con người", ông Nguyễn Công Nhật cho biết.
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển xe buýt điện (Nguồn: VinBus) |
Từ góc độ kinh doanh trực tiếp, VinBus là doanh nghiệp vận hành xe buýt với toàn bộ phương tiện là xe điện, ông Nguyễn Công Nhật đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về chính sách với các cơ quan chức năng, cụ thể:
Hà Nội hiện mới có định mức cho xe buýt điện lớn, chưa có định mức cho xe điện trung bình và nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp mong thành phố thúc đẩy để có đủ định mức cho các loại xe buýt điện. Cùng với đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang xe buýt điện. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế “kéo và đẩy”, ưu tiên trong nhượng quyền, gia nhập thị trường với doanh nghiệp có năng lực để có thể đẩy mạnh tiến trình xanh hoá mạng lưới giao thông công cộng.
Ông Nguyễn Công Nhật cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ gia tăng phương tiện cá nhân là ô tô và xe máy mỗi năm là 10%, trong khi tỷ lệ tăng bãi xe tĩnh, đường giao thông chỉ đạt 0,4%. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của phương tiện giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Công Nhật, chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện cao, nhưng chi phí khai thác, vận hành, bảo trì... lại giảm hơn nhiều so với phương tiện sử dụng dầu diesel. Ngoài yếu tố về tài chính, xe buýt điện còn có lợi cho môi trường, sức khỏe con người. Đây là điều cần được đặt lên bàn cân khi chúng ta chuyển sang xe buýt điện.
VinBus là thương hiệu vận tải hành khách công cộng thuộc Tập đoàn Vingroup (VIC), được thành lập vào 25/04/2019 với tổng số vốn điều lệ 1000 tỷ đồng. VinBus vận hành theo mô hình phi lợi nhuận, với mục tiêu hàng đầu là góp phần xây dựng nền giao thông công cộng xanh văn minh, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn đô thị tại Việt Nam.
VinFast: Lộ diện 'khách sộp' muốn mua 3.000 xe điện VF 5 và 300 Vinbus để vận hành tại Mexico
Nhóm nhà đầu tư Trung Đông sẽ đầu tư tối thiểu 1 tỷ USD cho VinFast