Hà Nội: Tình trạng "khát xăng" lan rộng, nhiều cửa hàng ngừng kinh doanh

06-11-2022 20:20|Hải Đăng

Những ngày qua, tình trạng nhiều cửa hàng treo biển "hết xăng, đóng cửa", người dân xếp hàng dài chờ mua đã đã lan rộng khắp các quận tại Hà Nội.

Nhiều ngày qua, đặc biệt trong ngày 4-5/11/2022, tình trạng thiếu xăng lan rộng khắp các quận nội thành Hà Nội. Nhiều người dân cho biết họ phải đi 3-4 cây xăng mới tìm được một cửa hàng còn mở bán, tình trạng xếp hàng dài chờ đổ xăng diễn ra phổ biến.

Một số người dân cho biết, tối ngày 5/11, chạy xe đi đổ xăng nhưng cửa hàng đã kê rào chắn và treo biển "chờ nhập hàng".

Một số cây xăng nhượng quyền thương mại của Petrolimex trên đường Hào Nam, cây xăng trên đường Láng (Hà Nội) cũng xuất hiện khung cảnh tương tự.

Loạt quận nội thành Hà Nội hết xăng

Trong ngày 5/11/2022, nhiều cây xăng tư nhân tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân... đều trong tình trạng hết xăng, chờ nhập hàng.

Việc khó mua xăng ở các cây tư nhân khiến người dân chuyển hướng sang các cây của Petrolimex, PV Oil. Tại quận Đống Đa, cây xăng Petrolimex trên đường Nguyễn Lương Bằng là một trong số ít những cây xăng còn hoạt động trong buổi tối ngày 5/11 trên địa bàn quận này.

Chính vì vậy, lượng khách dồn đến các cửa hàng của doanh nghiệp xăng dầu Nhà nước tăng vọt trong mấy ngày qua. Đến 22h ngày 5/11, tại các cây xăng của Petrolimex, PV Oil ở Hà Nội tình trạng quá tải vẫn chưa được cải thiện, người dân bắt buộc phải xếp hàng chờ đợi rất lâu mới tới lượt đổ xăng.

Mặc dù Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo bổ sung, chia sẻ nguồn hàng cho các thương nhân phân phối bán lẻ khác nhưng tình trạng thiếu nguồn hàng, chiết khấu vẫn tiếp tục tái diễn.

Một số chủ doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại khu vực phía Bắc cho rằng, tình hình khan hiếm nguồn cung có dấu hiệu lan rộng ra các tỉnh phía Bắc từ cuối tháng 10 và đến nay càng nghiêm trọng.

Hiện nay, chiết khấu xăng dầu đang ở mức rất thấp, gần về bằng 0 nên nhiều chủ cây xăng không mặn mà bán vì càng bán càng lỗ thêm. Không chỉ miền Nam mà hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ tại miền Bắc cũng đã phải tạm ngừng kinh doanh.

Cây xăng tư nhân ở Hà Nội hết nhiên liệu trong ngày 5/11. Ảnh: Zingnews

Một số doanh nghiệp bán lẻ khác cho biết, dù chấp nhận lỗ nhưng gọi đầu mối nhập hàng nhiều ngày qua nhưng vẫn không có nhiên liệu để nhập.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, một số cửa hàng nhỏ, dung tích bể chứa có hạn trong khi nhu cầu tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ và phải chờ nhập hàng.

Bên cạnh đó, gần đây, một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu nên người dân, doanh nghiệp đang đổ dồn về thị trường Hà Nội mua xăng. "Điều này tạo nên sức ép rất lớn đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố", đại diện Sở Công Thương thông tin.

xangcaumoi-7194.jpeg
Người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng vào tối muộn

Giải pháp nào tháo gỡ điểm nghẽn?

Hiện nay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội có 493 cửa hàng trong đó có 20 cửa hàng xăng dầu đang ngừng bán, không hoạt động kinh doanh được phép đóng cửa hàng do hết hợp đồng thuê đất, đang trong quá trình chuyển giao, cải tạo sửa chữa...

Có khoảng 10 doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, hơn 20 thương nhân phân phối có hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường Hà Nội. Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội bình quân 1 tháng khoảng 146.500 m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.750 m3; dầu khoảng 48.750 m3.

Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, nhu cầu xăng dầu tăng đột biến, trung bình khoảng 20%, tương đương 175.800 m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%).

Tại phiên họp Quốc hội mới đây, tình hình xăng dầu được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là thành phố lớn, đông dân cư.

"Không có gì thay đổi, các chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu sẽ được cập nhật vào kỳ điều hành ngày 11/11 tới sẽ giúp tháo gỡ tình hình hiện nay", ông nói.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, chỉ cần nguồn hàng đủ và chiết khấu ổn định ở mức 700-800 đồng/lít thì tự khắc các cây xăng sẽ hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng để giải quyết bài toán trước mắt thì liên bộ Tài chính - Công Thương cần rà soát, cập nhật, phản ánh ngay định mức chi phí, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để giúp nhà kinh doanh vượt qua khó khăn.

"Nếu không giải quyết kịp thời, nguồn cung xăng dầu sẽ tiếp tục bất ổn dẫn đến nhiều hệ lụy bao gồm cả mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng", ông đánh giá.

Ngoài ra, ông Việt cho rằng việc điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính đang có vấn đề, thiếu minh bạch.

"Cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại thả nổi hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý... thì sẽ có vấn đề", TS Nguyễn Quốc Việt nhận định.

Giá xăng trong nước ngày mai có khả năng đi xuống

Giá xăng dầu hôm nay 9/12: tiếp đà lao dốc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ha-noi-tinh-trang-khat-xang-lan-rong-nhieu-cua-hang-ngung-kinh-doanh-156891.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hà Nội: Tình trạng "khát xăng" lan rộng, nhiều cửa hàng ngừng kinh doanh
    POWERED BY ONECMS & INTECH